Ngày 28/8, sở Thông tin & Truyền thông (TTTT) Tp. Đà Nẵng đưa vào sử dụng Ứng dụng khảo sát, lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tại địa chỉ: https://dx.danang.gov.vn.
Hoạt động của ngành thông tin truyền thông đúng vào ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng 28/8. Theo đơn vị này, thời gian qua, việc triển khai Chính quyền điện tử, thành phố thông minh tại Đà Nẵng đã đạt một số kết quả bước đầu trong quá trình chuyển đổi số.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 97%, trong đó 75% ở mức 4; bước đầu hình thành các nền tảng đô thị thông minh và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh. Đà Nẵng hiện có tỷ lệ 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai cả nước sau Tp. Hồ Chí Minh).
Để biết rõ doanh nghiệp, từ đó có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố thực hiện chuyển đổi số thuận lợi, hiệu quả, sở TTTT Tp. Đà Nẵng đưa vào sử dụng Ứng dụng khảo sát, lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Mục đích khảo sát, lấy ý kiến giúp doanh nghiệp nhận biết khả năng hiện tại, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của mình, từ đó xác định lộ trình, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình kinh doanh và mô hình quản trị cho phù hợp.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực; từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phù hợp theo yêu cầu thực tiễn.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, việc chuyển đổi số hiệu quả mang lại nhiều tiện lợi, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc đi lại bị hạn chế.
Ông Hoàng Ngọc Thạch, Phó ban truyền thông Điện lực miền Trung cho biết, chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong công tác dịch vụ khách hàng, đã rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả rất nhiều.
Với ngành điện, hiện công tác quản lý bằng hình thức điện tử chiếm phần lớn. Các kênh trực tuyến như trung tâm hành chính công, cổng dịch vụ công quốc gia, website chăm sóc khách hàng, Email, App/Zalo và thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử giúp người dân dễ dàng nắm bắt thông tin.
"Chỉ với ứng dụng cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường, ngành điện hoàn thành việc cấp hồ sơ cấp điện mới trong 1 ngày. Toàn bộ quá trình đăng ký cấp điện của khách hàng, từ việc khảo sát hiện trường cấp điện đến thỏa thuận vị trí lắp đặt công tơ, xây dựng và thống nhất phương án lắp đặt… đều được thực hiện trực tuyến", ông Thạch cho biết.