Lao đao vì dịch, hối hả chạy bão
Ngày 11/9, theo Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung Trung bộ, vị trí tâm bão số 5 (Conso) đang ở cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 200km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, tương ứng 90 - 130km/giờ. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào miền Trung trong đêm 11, rạng sáng 12/9.
Tại TP.Đà Nẵng khi dịch dã còn chưa yên thì nay cả hệ thống chính quyền - người dân hối hả chạy bão. Trong 24 giờ qua, các lực lượng chức năng của địa phương này liên tục họp bàn, phát công điện khẩn cấp loan báo thông tin, triển khai các phương án phòng chống bão lũ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, nguy cơ mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư, mực nước biển và sóng biển dâng cao.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, rạng sáng 11/9, người dân địa phương đã đội mưa, đội gió chống bão. Tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, phương án phòng chống bão đã được triển khai đến từng tổ dân phố. Các lực lượng xung kích như công an, quân đội, dân phòng, thanh niên... tỏa đi khắp nơi hỗ trợ người dân chèo chống nhà cửa. Tổ dân phố triển khai việc rà soát danh sách các hộ dân sống ở vùng xung yếu để có phương án di dân đến nơi an toàn.
Xa hơn một chút, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cũng hối hả củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão xã. Gọi là củng cố nhưng thực ra lực lượng này chẳng phải ai xa lạ. Họ là những cán bộ, công an, đoàn viên... mà suốt hàng tháng trời qua đã căng mình với dịch dã. Nay bão đến, họ tiếp tục xung trận phòng chống thiên tai.
Để giảm thiểu thiệt hại, người dân địa phương cấp tốc thu hoạch 12ha lúa còn lại trên ruộng. Cạnh đó, chính quyền di tản 208 hộ với hơn 750 nhân khẩu ở diện nguy hiểm đến nơi an toàn. đảm bảo an toàn.
Chống bão thời dịch dã khó khăn vô cùng, đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt. Điều này là hoàn toàn đúng với xã Hòa Châu. Theo kế hoạch, 36 hộ dân với 150 nhân khẩu thuộc dãy nhà liền kề ở thôn Cẩm Nam cứ bão là về chung cư. Nhưng nay, xét thấy việc này chưa đảm bảo nguyên tắc phòng Covid-19, UBND xã Hòa Châu linh động bố trí các trường học chắc chắn làm nơi trú bão.
Tại xã Hòa Liên, Bí thư Đảng ủy xã Trương Tấn Mạnh cho Người Đưa Tin biết, xã đã lên kế hoạch phòng chống bão số 5 và căn cứ theo tình hình diễn biến cụ thể để triển khai một cách chóng vánh nhất.
Hòa Liên là xã trung du miền núi của TP.Đà Nẵng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất nhất. Đặc biệt là khu vực sạt lở đồi Lệ Mỹ, thôn Quan Nam 3. Vị trí sạt lở này nằm tại ngã ba giao giữa đường tránh Hải Vân- Túy Loan và ĐT601, có chiều dài khoảng 600m, có độ chênh cao so với mặt đường ĐT601 từ 35 đến 50m, nhiều năm qua thường xảy ra tình trạng sạt lở và đá lăn, ảnh hưởng tới 17 hộ dân với 54 nhân khẩu.
Tính tổng toàn địa bàn TP.Đà Nẵng, các lực lượng chức năng hối hả di dời tản cho gần 60.000 người dân trước bão số 5 đổ bộ. Trong đó, di dời tập trung 18.733 người, di dời tại chỗ: 39.950 người.
Mưa như trút nước trước thềm bão đỗ bộ
Quá trình tác nghiệp, Người Đưa Tin ghi nhận cảnh mưa rất lớn ở TP.Đà Nẵng. Tổng lượng mưa một số nơi như Suối Đá: 69mm; chi cục Thủy lợi: 66.8mm. Mưa lớn trước thời điểm bão đỗ bộ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất huyện Hòa Vang và ngập úng cục bộ tại quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà.
Tại quận Sơn Trà - nơi tiếp giáp với biển, rạng sáng 11/9 đã có gió giật mạnh. Thậm chí nhiều nơi có tiếng rít khiến người dân thức giấc.
"Tôi nghe tiếng gió rít liên hồi và cứ ngỡ bão đã đổ bộ. Thức giấc mở cửa sổ xem thì thấy gió rất mạnh, cây cối xiêu theo chiều gió", chị Trần Thanh Hoa, trú quận Sơn Trà nói.