Ngày 3/10, theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, trong 8 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn có 175 ca nhiễm HIV mới, trong đó, 75 ca là người TP.Đà Nẵng.
Trong 75 người này, chỉ có 40 người có địa chỉ rõ ràng. Từ những con số này cho thấy, ngành y tế chỉ quản lý được khoảng 56% số người nhiễm HIV mới trên địa bàn, số còn lại không xác minh được.
Số người không được ngành y tế quản lý, là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng, vì họ không được tiếp cận tư vấn các dịch vụ dự phòng, điều trị thuốc kháng virut ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và giảm lây truyền cho cộng đồng.
Các trường hợp phát hiện nhiễm mới HIV trong 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 có tỷ lệ tăng nhanh nhất là nhóm quan hệ đồng giới. 99% đường lây nhiễm là tình dục không an toàn.
Nhóm tuổi nhiễm mới HIV ngày càng trẻ hóa, lứa tuổi 25 đến 49 chiếm 63%. Nam giới chiếm 83% số người được phát hiện nhiễm HIV.
Mỗi năm, TP.Đà Nẵng phát hiện khoảng 120 đến 150 ca nhiễm mới. Trong đó, các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là những địa phương có ca nhiễm cao.
Số người nhiễm HIV đồng giới có xu hướng tăng nhanh, nhưng việc tiếp cận với nhóm này còn hạn chế do mật độ di biến động cao, nhiều bạn tình, không lộ diện nên rất khó khăn trong triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại cũng như tư vấn tiếp cận dịch vụ.
Liên quan vấn đề này, bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương được cấp ban, ngành quan tâm.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động chính như can thiệp, dự phòng và giám sát dịch, điều trại ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS…
Đơn vị này cũng phối hợp các ngành liên quan duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động bốn nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng là quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí.
Người nhiễm HIV/AIDS được sử dụng thuốc ARV miễn phí khi có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người bị nhiễm bệnh vẫn còn ngại công khai để được chữa trị vì thành kiến xã hội.
Họ sợ rằng, thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan, đơn vị, địa phương xác nhận, khi cơ quan, đồng nghiệp, người quen biết thì sẽ bị kỳ thị.
Trong trường hợp, không sử dụng bảo hiểm y tế thì người bệnh phải bỏ ra kinh phí vô cùng lớn, vì thuốc ARV phải dùng suốt đời.
Đại diện nhóm Chăm sóc tại nhà và cộng đồng, trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, chia sẻ, ngoài việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị, làm điểm tựa tinh thần, các thành viên trong nhóm đặc biệt chú trọng đến chế độ bảo hiểm y tế cho những người nhiễm HIV.
Đối với những người tại địa phương, nhóm động viên tự giác công khai danh tính, đến đăng ký bảo hiểm y tế để được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có tại địa phương.
Bệnh nhân ngoại tỉnh, đang cư trú trên địa bàn thì được nhóm tạo điều kiện cho người bệnh đăng ký hộ khẩu KT3, tạm trú tại gia đình của các thành viên trong nhóm, để mua được bảo hiểm y tế.
Các thành viên trong nhóm này cho biết, chỉ có sự đối xử bình thường, bao dung với người nhiễm HIV mới có thể giúp họ có niềm tin vào bạn bè, người thân, gia đình để tiếp tục sống, điều trị trở thành người có ích cho xã hội.