Đau đầu với xây dựng sai phép
Thời gian qua, tại TP.Đà Nẵng, cơ quan chức năng phát hiện khá nhiều công trình xây dựng trái phép. Gần nhất, Thanh tra sở Xây dựng phát hiện sai phạm tại khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng, quận Hải Châu. Dự án này sai phạm gồm công trình xây dựng không phép và cho thuê các tầng trên trong khi phần đế của tòa nhà chưa được nghiệm thu.
Với những sai phạm này, chủ đầu tư bị phạt 110 triệu đồng. Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã giao UBND quận Hải Châu yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ phần sai phạm. Sau 60 ngày, nếu chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Trước đó, công trình khách sạn Eden do công ty TNHH Minh Thùy làm chủ đầu tư bị phát hiện xây dựng sai với giấy phép, tự ý nâng số phòng ngủ từ 96 lên 226 phòng. Cụ thể, chủ đầu tư “nâng cấp thêm”, 187 phòng ngủ, 16 phòng nghỉ nhân viên trực tầng, 18 phòng kho, 1 phòng kỹ thuật điều hòa và 4 phòng chức năng.
Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, việc hàng trăm căn nhà trái phép mọc lên, tồn tại ngay dự án ga đường sắt quận Liên Chiểu suốt nhiều năm qua khiến chính quyền địa phương khá đau đầu. Nhiều hộ dẫn đã cơi nới, xây dựng nhà ở trái phép để đón đầu, chờ đền bù giải tỏa.
Liên quan vấn đề này, đầu tháng 11, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã ký ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng. Quy chế ban hành nhằm bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Nội dung xử lý các vi phạm trật tự xây dựng gồm: xây dựng không phép; sai phép; xây dựng không đúng thiết kế; các vi phạm về quản lý chất lượng công trình; thi công xây dựng không bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Quy chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan thẩm quyền trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Ông Thơ xác định, Chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện về các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Quy chế cũng quy định trách nhiệm của Giám đốc sở Xây dựng, Chủ tịch UBND Thành phố và trách nhiệm đối với Chánh Thanh tra sở Xây dựng; cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND các quận, huyện; cán bộ, công chức, viên chức, thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp; trách nhiệm của các sở Tài nguyên-Môi trường, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư; Công an thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan.
Quy chế cũng quy định về kỷ luật đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải đền bù theo quy định pháp luật.
Theo ông Thơ, với quy chế này sẽ tạo sự thống nhất giữa sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng một cách chặt chẽ, đồng bộ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để theo quy định pháp luật. Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân cùng tham gia giám sát.
Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xử lý đối với công trình vi phạm qua thông tin phản ánh do các tổ chức hoặc cá nhân chuyển đến thì phải thông báo kết quả xử lý đến tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin được biết để tiếp tục tham gia giám sát.