Video: GS Đặng Hùng Võ: Đừng kìm hãm sự phát triển khi rà soát các dự án
Mới đây, báo Người Đưa Tin đã phản ánh việc UBND TP Đà Nẵng có yêu cầu tạm dừng thi công để rà soát các dự án đang triển khai ven sông Hàn. Việc này là động thái thận trọng của chính quyền sau khi dư luận nghi ngờ về dự án bến du thuyền Marina Complex lấn sông Hàn.
Chiều 5/5, trong talkshow bất động sản Trăm dòng sông đổ về một biển, trả lời PV Người Đưa Tin liên quan vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tất cả các chủ đầu tư đều nhận được sự mời gọi, duyệt quy hoạch và cấp phép của chính quyền thì mới dám đổ tiền vào triển khai dự án. Do đó, chính quyền mỗi địa phương, không chỉ là TP Đà Nẵng, phải cần thận trọng mỗi khi có quyết định tạm dừng dự án để rà soát.
Bởi, nếu cứ cấp phép, dự án được triển khai, lúc phát hiện sai, chính quyền yêu cầu dừng hoặc thu hồi là việc làm bất nhất, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư chung của địa phương. Mỗi khi có việc này, không chỉ chủ đầu tư có dự án tạm dừng, bị thu hồi, ảnh hưởng quyền lợi mà những nhà đầu tư khác cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Và, chắc chắn, sẽ gây sự lo ngại cho các nhà đầu tư.
Cũng theo vị giáo sư này, yêu cầu công tác quản lý là phải luôn luôn kiểm tra, rà soát để sàn lọc cái sai và tạo điều kiện cho cái đúng phát triển. Tuy nhiên, quan trọng nhất của việc rà soát là phải tiến hành nhanh, không nên kéo dài. Bởi, kéo dài việc tạm dừng, rà soát thì sẽ gây ra sự kìm hãm phát triển.
“Cứ rà soát nhưng đừng làm gián đoạn sự phát triển. Bắt nhiều dự án dừng cùng một lúc là không đúng. Như vậy thì sẽ tạo ra sự kìm hãm phát triển địa phương, làm phản tác dụng. Trong khi đó, nếu mọi thứ được giải quyết nhanh thì sẽ chứng tỏ địa phương đó có tinh thần cầu mong phát triển”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho rằng việc rà soát các dự án khi có ý kiến phản biện là việc nên làm. Tuy nhiên, việc rà soát cần có tốc độ xử lý nhanh, để các dự án phát triển đúng hướng, đúng phát luật, tạo ra một thị trường, một môi trường đầu tư lành mạnh cho thành phố.
TP Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu kinh tế tại miền Trung nên cần sự chuyên nghiệp trong quy hoạch lẫn thu hút đầu tư, cần tránh tính bất nhất, tạo tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần rút kinh nghiệm trong việc xem xét, cấp phép cho các dự án mới.
Trước đó, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng trước đây là của tập đoàn VinaCapital. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng cổ phần của công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.
Qua các lần điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích dự án còn 117.311m2, trong đó diện tích phần đất liền 107.311m2, diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2; ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy, do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý, tăng từ 30m lên 60m đến 200m, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.
Lần điều chỉnh gần đây nhất, diện tích công viên, cây xanh tăng từ 7.065m2 thành 24.415m2; khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực. Dự án bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông.
Ông Trung khẳng định, dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.
“Hiện chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp. Khu vực ven sông phía tây đường Lê Văn Duyệt đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện...”, Phó giám đốc sở Xây dựng TP Đà Nẵng nói.