Nhiễm HIV từ 15 tuổi
Ông Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây, dịch HIV có xu hướng tăng và tiếp tục lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục thiếu an toàn. Tính đến 31/10, toàn TP.Đà Nẵng đã phát hiện 2.642 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 940 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 490 ca tử vong do AIDS.
Riêng từ tháng 1 đến tháng 10/2019, Đà Nẵng phát hiện 206 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó có 91 người có địa chỉ ở Đà Nẵng; 95,6% lây nhiễm qua đường tình dục; 87,9% người nhiễm mới trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi.
Nhóm đối tượng mới đáng báo động là nhóm có quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Trong đó, có đến 29 MSM có địa chỉ tại Đà Nẵng và phần lớn là sinh viên. Đồng thời, qua công tác hiến máu nhân đạo cũng phát hiện được 2 ca nhiễm HIV trong năm 2019.
Theo ông Chung, thời gian qua, TP.Đà Nẵng tập trung tăng cường tư vấn cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV; hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về y tế và tuân thủ điều trị.
Ngoài ra, địa phương còn lồng ghép tuyên truyền về dịch HIV/AIDS vào các buổi họp với nhân dân khu phố, phụ nữ, trường học và các ban ngành đoàn thể địa phương; tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên…
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng chia sẻ, trong thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên đã và đang đạt nhiều kết quả nhất định nhưng tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là một nguyên nhân hạn chế những người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Đặc biệt, việc kỳ thị người bệnh diễn ra tại ngay chính gia đình, cộng đồng. Hiện nay, có khoảng 3% số người nhiễm HIV và 4% số trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học.
Anh Dũng mong muốn các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố phải có những hiểu biết, nhận thức đúng đắn về vị trí của mình trước đại dịch. Đặc biệt, cần chung tay, cảm thông, chia sẻ với những người không may bị nhiễm HIV…
Chất bôi trơn không phải là “thần dược” chống HIV
Theo chị Trần Thị Kim Hạnh, khoa Phòng, chống HIV/AIDS và QLĐTNC, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, HIV là căn bệnh chưa có thuốc chữa và không chừa bất kì ai.
Với người đồng tính, lây nhiễm HIV là một nỗi lo sợ vì tình trạng quan hệ khá bừa bãi, không chú ý đến biện pháp an toàn ở một số bạn trẻ. Sự chủ quan, thiếu hiểu biết trong quan hệ đã dẫn đến nhiều bi kịch.
Sự kỳ thị của của xã hội đối với người đồng tính vốn chưa hết, sự kỳ thị với người bị HIV càng gay gắt hơn. Vì vậy những ai ở trong hoàn cảnh này sẽ cảm thấy bi quan, bất lực, muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên điều quan trọng nhất trong mỗi sự việc vẫn là thái độ của chính bạn đối với chuyện đã xảy ra.
Chị Hạnh cho biết thêm, những cách quan hệ tình dục ở người đồng tính nam luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong đó, quan hệ tình dục qua đường hậu môn mang đến nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất.
Quan hệ bằng miệng (oral sex) được cho là ít nguy cơ lây nhiễm HIV nhất nhưng không phải hiếm khi xảy ra. Trong trường hợp người đồng tính quan hệ tình dục mà có những vết lở loét ở miệng, chảy máu chân răng hoặc vết xước, vết thương hở ở hậu môn thì virus HIV vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể đối phương.
Thực tế hiện nay, nhiều cặp đồng tính nam đã sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ tình dục vừa để tăng khoái cảm vừa để tránh việc xây xát. Thậm chí, họ đã coi chất bôi trơn như “thần dược”, có thể ngăn ngừa virus HIV và quên luôn việc sử dụng bao cao su. Đây là một suy nghĩ thiếu căn cứ, không khoa học. Chất bôi trơn có thể làm giảm nguy cơ trầy xước chứ không hoàn toàn loại bỏ, nhất là khi quan hệ mạnh.
Do sợ bị lộ xu hướng tính dục cũng như sợ sự kỳ thị của một bộ phận xã hội hay nhân viên y tế, nhiều người đồng tính không dám tới các cơ sở y tế để làm xét nghiệm tình trạng HIV dù đã có hành vi nguy cơ cao. Việc không biết tình trạng nhiễm sẽ khiến virus HIV càng lây truyền trong cộng đồng này, nhất là khi nhiều người có hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
Ngay cả khi đã biết tình trạng nhiễm, sự kỳ thị cũng khiến không ít người đồng tính không dám tới các phòng khám ngoại trú (OPC) điều trị một cách chính quy hoặc nguy hiểm hơn, không điều trị. Họ không biết rằng khi không sử dụng thuốc kháng virus ARV thường xuyên, tải lượng virus của người bệnh vẫn ở mức cao, dễ lây sang cho cộng đồng nếu có những hành vi rủi ro như quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su.