Theo đó, Sở Giao thông vận tải Tp.Đà Nẵng thu hồi phù hiệu đối với 58 phương tiện thuộc 44 đơn vị vân tải do vi phạm tốc độ trong tháng 4 năm 2023, có từ 5 lần trở lên vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy, theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020.
Phù hiệu đã cấp cho các phương tiện này không còn giá trị sử dụng kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Sở này yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ và thời gian lái xe; thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục và truyền dẫn dữ liệu theo quy định.
Các đơn vị trên có trách nhiệm nộp lại phù hiệu trong danh sách thu hồi về Phòng Quản lý Vận tải- Sở Giao thông vận tải Tp.Đà Nẵng trong vòng 7 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực; không được sử dụng phương tiện bị thu hồi phù hiệu để tham gia kinh doanh vận tải.
Nếu đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thì phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định tại khoản 7 Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, trong hồ sơ có thêm tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi phù hiệu.
Trong khi đó, Thanh tra Sở có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp sử dụng phương tiện trong danh sách để kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện bị thu hồi phù hiệu.
Phòng Quản lý vận tải và phương tiện theo dõi, đôn đốc việc chấp hành xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải; từ chối việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đơn vị vận tải có phương tiện bị thu hồi phù hiệu cho đến khi chấp hành đầy đủ, nghiêm túc việc xử lý vi phạm.
Trước đó, Người Đưa Tin thông tin, Sở Giao thông vận tải Tp.Đà Nẵng, đã có Công văn số 1868/SGTVT-QLVTPTNL gửi Các đơn vị kinh doanh vận tải nằm trong danh sách vi phạm tốc độ trong tháng 4 năm 2023.
Theo đó, qua trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải trong tháng 4 năm 2023 trên phần mềm Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy rất nhiều phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải vi phạm quy định về tốc độ, có từ 5 lần vi phạm tốc độ/ 1000km xe chạy, không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống.
Trong đó, đáng chú ý, chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Mến Thương, có xe hợp đồng 43B03852 vi phạm 149 lần và xe 43B04075 vi phạm 112 lần.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Hiếu có xe hợp đồng 43B04367 vi phạm 140 lần.
Hợp tác xã ô tô vận tải số 1 Đà Nẵng có 2 xe chạy tuyến cố định 43S3563 vi phạm 125 lần, 43B01552 vi phạm 99 lần.
Các đơn vị kinh doanh có xe vi phạm tốc độ trên 70 lần khác là Công ty TNHH TM&DVDL Phát Xuân Tùng, Công ty TNHH Vận tải Sang Xuân, hộ kinh doanh cá thể Trần Văn Tuấn, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Hải Vân, Hợp tác xã Cùng kinh doanh, Hợp tác xã An Phát, Khánh EMT Đà Nẵng, Công ty TNHH Vận tải Hoàng Anh Hòa…
Để chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm rà soát và báo cáo giải trình (nếu có) đối với các phương tiện vi phạm tốc độ của đơn vị.
Các đơn vị kinh doanh vận tải phải quản lý phương tiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định và bộ phận theo dõi, quản lý về an toàn giao thông phải thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh lái xe chạy quá tốc độ, lái xe làm việc quá thời gian...