"Sống chung với dịch"
Ngày 2/9, Tp. Đà Nẵng ghi nhận 42 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, có 22 ca tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Cũng trong ngày 2/9, chính quyền địa phương họp bàn các phương án phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các biện pháp khi 20 ngày "ai ở đâu ở đó" kết thúc (ngày 5/9). Trải qua gần 20 ngày giãn cách xã hội triệt để, Đà Nẵng đã "bóc tách" nhiều F0 khỏi cộng đồng. Hướng đi đúng đắn này đã được dư luận đồng tình, tạo sự thống nhất cao từ các cấp.
Đà Nẵng xác định trong thời gian tới, trạng thái của địa phương là "sống chung với dịch". Vấn đề này cũng đã được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu ra trong cuộc họp tối 1/9. Theo đó, Đà Nẵng sẽ tính toán đưa ra các biện pháp nhằm giữ vững thành quả 20 ngày "ai ở đâu ở đó" cũng như các phương án trong phòng chống dịch linh hoạt theo tinh thần trạng thái "sống chung với dịch".
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp. Đà Nẵng sẽ tiếp thu, rà soát các hoạt động và cho phép tỷ lệ người được tham gia các hoạt động. Những hoạt động xác đáng, thiết thực như nông dân thu hoạch hoa màu, người cắt cây xanh, phòng chống lụt bão… sẽ được cho phép hoạt động.
Chống dịch ở các vùng xanh - đỏ - vàng
Theo báo cáo ngày 2/9 của trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp. Đà Nẵng, đơn vị này đề nghị sở Y tế tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện và ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận, huyện tiếp tục đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo các vùng xanh - đỏ - vàng.
Cụ thể:
Đối với các vùng đỏ, ngành y tế đề nghị thiết lập các khu vực phong tỏa đủ rộng, đảm bảo độ bao phủ, không để sót các trường hợp nguy cơ. Xây dựng bản đồ dịch tễ các khu vực đang phong tỏa và địa điểm có các ca bệnh để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá tình hình dịch. Trong trường hợp đã hết thời gian phong toả mà vẫn ghi nhận ca mắc chưa được cách ly, tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ để quyết định thêm thời gian phong toả hoặc xác định lại khu vực cần được tiếp tục phong toả.
Các chốt kiểm soát trong vùng đỏ, cơ quan chức năng bố trí lực lượng canh gác thường xuyên; tuyệt đối không cho người và phương tiện ra/vào bên trong khu vực đang được phong tỏa (trừ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng phải mang đồ bảo hộ; tuyệt đối không được đưa hàng hóa, vật dụng từ các khu vực đang được phong tỏa ra bên ngoài. Khuyến khích người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, trường hợp cần phải sử dụng tiền mặt thì phải khử khuẩn trước và sau khi giao dịch.
Khu tập kết rác thải trong vùng đỏ, đề nghị bố trí thuận lợi cho việc xử lý và thu gom vận chuyển rác thải nguy hại có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2. Sử dụng thùng rác có đạp chân để tránh tiếp xúc, túi rác màu vàng theo quy định. Người thu gom rác phải được trang bị bảo hộ theo đúng quy định.
Ngành y tế Tp. Đà Nẵng cũng đề xuất, với các khu vực phong tỏa trong vùng đỏ cần thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly tại từng hộ gia đình với nguyên tắc nhà cách ly với nhà, người cách ly với người. Yêu cầu tất cả mọi người dân ở tại nhà, không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến nhà ai và không cho ai vào nhà mình với phương châm mọi nhà “cửa đóng, then cài”. Thực hiện phong tỏa trong phong tỏa nếu cần thiết. Chia nhỏ từng khu vực trong khu vực đang phong tỏa để lập các chốt kiểm soát, đảm bảo việc cách ly y tế được thực hiện nghiêm túc. Công an, quân đội... sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu vực phong tỏa để nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Còn lại đối với các vùng vàng và vùng xanh, ngành y tế Đà Nẵng đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp tại Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND Tp. Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, các hoạt động được cho phép hoạt động trở lại phải đảm bảo các điều kiện: Người lao động đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin; xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên 3 ngày/lần; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là 5K, đeo tấm che giọt bắn...