Đà Nẵng với những công trình 'để đời'

Đà Nẵng với những công trình 'để đời'

Thứ 7, 30/03/2013 07:10

38 năm nhìn lại, Đà Nẵng từ khi còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến trực thuộc T.Ư bây giờ, luôn mang đến cho bạn bè gần xa những cảm xúc bất ngờ.

Bên cạnh những chỉ số phát triển KT-XH, hình ảnh rõ nét nhất vẫn là dáng vóc của một thành phố trẻ, năng động, hiền hòa, mến khách và những công trình dân sinh, dân trí rất riêng, rất “Đà Nẵng”.

Tất nhiên có thể không đầy đủ, nhưng ngoài 3 công trình được khánh thành vào hôm nay (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, tuyến cáp treo thứ 3 Bà Nà), những công trình chúng tôi giới thiệu dưới đây phần nào phản ánh những “thương hiệu Đà Nẵng” đã được khẳng định...

Đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Văn Linh nối dài

Nổi tiếng không kém các con đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa- Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng... đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Văn Linh nối dài tạo nên tuyến giao thông xuyên thành phố, từ sân bay quốc tế Đà Nẵng, qua sông Hàn (cầu Rồng) và gặp tuyến đường ven biển ở phía đông thành phố.

Riêng để có được tuyến đường nối dài, có khoảng 1.300 hộ dân thuộc hai quận Hải Châu, Sơn Trà phải di dời về các khu dân cư (KDC) mới và một nhà thi đấu  (Nguyễn Tri Phương)... Tuyến đường đi đến đâu là 2 bên nhà cửa, khách sạn, công trình mọc san sát, tráng lệ, tạo nên một “cửa ngõ” hiện đại trong lòng thành phố, như một “lời chào” hấp dẫn du khách gần xa.

 Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời'

 Một đoạn đường Nguyễn Văn Linh.

Cầu Sông Hàn

Dù những chiếc cầu xây sau như Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý vượt cả quy mô lẫn kiến trúc, nhưng cây cầu xoay duy nhất của Việt Nam, được xây dựng bằng tiền quyên góp của nhân dân thành phố luôn là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Đã tồn tại gần 13 năm, nhưng người dân và du khách mỗi khi đến Đà Nẵng vẫn dành thời gian chiêm ngưỡng cầu quay, ghi hình làm kỷ niệm, còn người chưa đến vẫn cứ đoán già, đoán non các kiểu “quay” của nó và khao khát một lần diện kiến.

 Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời' (Hình 2).

Cầu Sông Hàn về đêm. 

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng

Là bệnh viện chuyên trị ung thư, quy mô 500 giường, 27 phòng khoa, trang thiết bị hiện đại, đầu tư 1.500 tỷ đồng. Phần lớn trong số kinh phí này, ngoài sự chung tay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, còn có sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Những tấm lòng nhân ái từ muôn phương hướng về Đà Nẵng, vì mục đích cao cả là chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo lâm phải bệnh ung thư.

 Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời' (Hình 3).

Bệnh viện miễn phí cho một số đối tượng, miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân nghèo. 

Trung tâm Hành chính thành phố

Được khởi công xây dựng ngày 15-11-2008, bao gồm khối làm việc chính cao 166,8m, 34 tầng nổi (sau điều chỉnh lên 36 tầng), 2 tầng hầm, khối đế 4 tầng, khối tháp hình trụ tròn thu nhỏ dần ở đáy và đỉnh. Tổng diện tích sàn toàn bộ tòa nhà là 65.234m2, trong đó 2 tầng hầm có diện tích sàn 15.896m2 bố trí để ô-tô, đặt thiết bị kỹ thuật và các phòng chức năng phụ trợ khác... với tổng mức đầu tư hơn 1.123,6 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tòa nhà này sẽ là nơi  làm việc tập trung của tất cả bộ máy hành chính của chính quyền Đà Nẵng trong tương lai, có thể xem là sáng kiến “một cổng” về cải cách thủ tục hành chính của Đà Nẵng, người dân đến một nơi có thể giải quyết nhiều thủ tục hành chính. Đặc biệt, áp trên và tầng mái sẽ được thiết kế là tầng xoay để du khách tham quan, thưởng lãm toàn cảnh TP.

Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời' (Hình 4). 

 

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng

Danang International Fireworks Competition (DIFC), do UBND TP tổ chức vào dịp 29 và 30-4  hằng năm (trước đây là 27 và 28- 3), mỗi năm có 3 - 4 đội quốc tế và đội Đà Nẵng – Việt Nam tham gia thi đấu đã được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận đạt kỷ lục quốc gia: cuộc thi đấu pháo hoa quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, khu lắp ghép lớn nhất Việt Nam (với sức chứa hơn 25.000 chỗ ngồi, xây dựng năm 2011).

Đã diễn ra 5 lần, nhưng cuộc thi vẫn không nhàm chán, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm. 

Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời' (Hình 5). 

 

“5 không, 3 có”

Đó là các chương trình “5 không, 3 có” và có thể xem là “công trình” của toàn dân, thời gian thực hiện tương đối dài... và làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. "5 không- không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của”, tuy lúc đầu  khiến nhiều người nghi ngại nhưng đã đạt được những kết quả mỹ mãn.

Sau “5 không”, Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình “3 có” - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở.

 Miền trung - Đà Nẵng với những công trình 'để đời' (Hình 6).

 Tổ chức cho thanh thiếu niên chưa ngoan tham quan Bà Nà.

Theo B.T (công an TP Đà Nẵng)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.