Từ 16/8, Tp. Đà Nẵng thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”. Người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Cơ quan, công sở, đơn vị giảm số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ người ở lại làm những việc thật cần thiết, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Cũng từ 16/8, tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Đà Nẵng bị buộc đóng cửa. Người dân có nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu phải đặt qua Ban điều hành, tổ dân phố để nhờ mua hộ.
Các Ban điều hành sau đó sẽ đặt hàng ở các đơn vị phân phối, siêu thị chuỗi cửa hàng tiện lợi cung ứng hàng hoá được chính quyền cho phép hoạt động, sau đó giao hàng đến tay người dân.
Ngày 20/8, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng phương án khôi phục chợ truyền thống trên các địa bàn.
Theo bà Phương, tiểu thương, người làm việc tại chợ là người đang lưu trú tại phường nơi có chợ và phải đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch trước khi mở cửa hoạt động theo hướng dẫn của bộ Công thương tại Văn bản số 4728/BCT-TTTN ngày 5/8/2021 về việc bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống Covid-19 và Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Chợ chỉ nên mở vào buổi sáng hằng ngày và sẽ phân chia tần suất đi chợ, tần suất bán hàng tại chợ. Cách thức bán hàng, giao nhận hàng thông qua Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố, thôn.
Trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện và tình hình diễn tiến của dịch bệnh bệnh, sở Công Thương Tp. Đà Nẵng sẽ tổng hợp, tham mưu ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố này xem xét, quyết định.
Theo ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Tp. Đà Nẵng, đến chiều 20/8, đã nhận được Phương án khôi phục chợ truyền thống của UBND quận Ngũ Hành Sơn.
UBND quận Ngũ Hành Sơn dự kiến hoạt động lại 2 chợ theo thứ tự ưu tiên chợ Khuê Mỹ, chợ Non Nước. Xác định“vùng xanh” để thiết lập chợ. Hàng hóa cung cấp tại chợ cho người dân ở “vùng xanh” có chợ. Thời gian hoạt động của chợ từ 5h đến 9h sáng hằng ngày.
Trước mắt chỉ cho phép 30% - 50% hộ tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu tập trung 3 nhóm gồm rau củ quả, thịt, cá; hiện đang cư trú tại địa bàn có chợ đã là “vùng xanh”.
Tiểu thương đi bán tại chợ phải có thẻ đi bán do ban Quản lý các chợ cấp theo tần suất, bán 1 ngày, nghỉ 1 ngày, và đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin.
Tiểu thương và người làm việc trước khi tham gia vào hoạt động chợ trở lại phải được xét nghiệm, bằng phương pháp PCR, và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Người mua hàng tại chợ là các Tổ cung ứng hàng hóa ở khu dân cư của phường có “vùng xanh”.
Tổ cung cấp hàng hóa tại các khu dân cư “vùng xanh” cũng thực hiện giãn cách khi đi chợ luân phiên. UBND các phường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể việc đi chợ theo giờ cho các Tổ cung cấp hàng hóa tại các khu dân cư…
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, trong ngày 20/8, tại quận Hải Châu, các phường tiếp nhận 1.127 đơn hàng từ các hộ dân, chỉ đạo ban điều hành khu dân cư, tổ cung ứng hàng hoá, tổ trưởng dân phố giải quyết theo quy trình.
Lũy kế từ 16/8 đến nay, các phường nhận 3.044 đơn hàng, trong đó đã giải quyết được 3.005 đơn.
Quận Liên Chiểu tiếp nhận 64 lượt người dân đề nghị cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và đã tổ chức cung ứng đến người dân được 1.245 lượt với tổng số tiền của các đơn hàng là gần 192 triệu đồng đồng.
Từ 16/8, quận này đã tiếp nhận 3.153 lượt đề nghị và cung ứng 2.951 lượt.
Trong khi đó, tại quận Sơn Trà, trpng ngày các phường đã nhận 3.481 đơn hàng của người dân, số lượng tăng gần gấp đôi kỳ ngày 19/8, đã xử lý 2.482 đơn, số còn lại tiếp tục xử lý là 999 đơn.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, từ 16/8 đến ngày 20/8, có 2.732 hộ dân trên địa bàn quận đăng ký mua hàng qua hình thức online và đăng ký với các Tổ cung cứng hàng hóa tại các khu dân cư để đăng ký mua hàng thiết yếu tại các cửa hàng siêu thị cung ứng hàng hóa được phép hoạt động trên địa bàn quận.
Qua đó các Tổ cung ứng đã mua hàng và cấp phát kịp thời cho các hộ dân.