Dã quỳ và núi lửa

Dã quỳ và núi lửa

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 15/11/2023 07:00

Dã quỳ đã trở thành một biểu tượng của cái đẹp, của một cái gì đấy vừa thiêng liêng vừa gần gũi...

Đang có lễ hội hoa dã quỳ núi lửa Chư Đang Ya của tỉnh Gia Lai. Dân tình nườm nượp đổ về đông vui như... hội.

Thì hội mà. Mùa khô Tây Nguyên bắt đầu là mùa Ning nơng, người Tây Nguyên coi đấy là mùa ăn năm uống tháng. Người Kinh phong cho nó thành lễ hội, dẫu có nhiều thứ không phải... lễ hội, mà chỉ là thành tố của lễ hội.

Hôm qua tôi lại còn xem một bức ảnh chụp cái biển, đề là “Khu văn hóa nhà mồ”. Giờ người ta rất hay phong văn hóa cho mọi thứ, làng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa, công sở văn hóa, văn hóa rượu cần, văn hóa... bắt tay, văn hóa đọc, văn hóa ăn... giờ tới văn hóa... nhà mồ.

Nhưng mùa này dã quỳ đẹp thật. Tất nhiên cũng may là, chưa ai phong cho nó là... văn hóa dã quỳ.

Dẫu nó có ở khắp nơi, kể cả ở Ba Vì Hà Nội bây giờ cũng ràn rạt vàng hoa dã quỳ.

Nhưng hình như chỉ ở Tây Nguyên nó mới thật dã quỳ.

Nó thuận màu với đất đỏ, với trời xanh, với nắng vàng, với gió nữa. Và, trời lại sinh ra cái núi lửa Chư Đang Ya.

Đa chiều - Dã quỳ và núi lửa

Ảnh minh họa.

Tất nhiên nó tắt từ lâu lắm rồi, chắc cả triệu năm. Nhưng hề chi, nham thạch biết đâu vẫn vẩn vơ đâu đó, để giờ lặn vào cái màu vàng của dã quỳ kia, khiến nó làm hao khuyết biết bao cảm xúc con người. Sao lại hao khuyết, thì bởi, nhẽ cảm xúc ấy để dành cho các đối tượng khác, các trạng huống khác, giờ phải chia bớt cho dã quỳ.

Thì cứ nhìn hàng đoàn người nam phụ lão ấu, nắng nôi thế, leo núi thế, bụi bặm thế... vẫn lên, vẫn trèo, vẫn hớn hở, có xe chở theo tới mấy va li váy áo, cả buồng thay đồ di động. Chụp ảnh đấy ạ. Đa phần các ông chồng thành thợ ảnh bất đắc dĩ, và thấy đa phần các ông vừa lau mồ hôi vừa... cười mà chụp cho vợ và bạn vợ.

Nhiều bà nhiều cô lông lống tuổi rồi, váy trắng thướt tha, tay trần non nõn, đầu đội vòng hoa dã quỳ vàng mê mải mua của trẻ em bản địa, trời ạ, ai lại sinh ra cái điện thoại thông minh bắt sáng bắt nét bắt hình tốt thế kia chứ?
Cứ nhìn tường facebook những ngày này là thấy. Hầu như vàng rực dã quỳ của các “phây thủ” từ khắp nơi trên đất nước, thảng hoặc có vị tây nữa. Muôn ngàn tư thế, hàng trăm kiểu trang phục với dã quỳ.

Thì cũng mới đây thôi, người ta mới phát hiện ra cái đặc ân của giời ban cho này. Chứ trăm năm nay, nó là thứ hoang dại, thứ cướp miếng ăn của con người, bởi cái núi Chư Đang Ya ấy, dân làng ở đây chỉ trồng dong giềng, và hàng ngày phải... chiến đấu với loại hoa dại ấy, vì nó chiếm hết đất của dong giềng.

Đấy là một cái miệng núi lửa khổng lồ. Cao nguyên Pleiku nằm trên hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ, trong đấy lớn nhất là Biển Hồ (Tơ Noeng) và núi Hàm Rồng (Chư Hdrung) là 2 miệng núi lửa nhưng một cái là hồ một cái là núi. Có giả thiết cho rằng, một cú tạo sơn nào đó, mẹ đất cựa mình, và bốc nguyên Biển Hồ đặt vào Hàm Rồng theo hướng chính Bắc Nam, nên giờ nếu bê cái núi Hàm Rồng kia đặt lại được vào Biển Hồ thì nó sẽ khít lịt(!). Chư Đang Ya cũng là một miệng núi lửa lớn, thuộc địa phận Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách Pleiku chỉ mươi cây số. Chư Đang Ya theo tiếng J’rai có nghĩa là củ gừng, có thể do nó có hình dáng như thế chăng? Đấy là một thung lũng xung quanh bao bọc bởi núi. Nham thạch nghìn độ từ hàng triệu năm như có vẻ vẫn còn công dụng bồi đắp đến giờ, nên cây gì mọc lên từ đây cũng tươi tốt khác thường.

Dã quỳ cũng thế. Là cây thì to mập cao lút đầu người, là lá thì mướt xanh đầy đặn cứng cáp. Và hoa thì vàng tận cùng, như là vàng để rồi mà chết. Vàng mướt mát, vàng rừng rực, vàng mê mải, vàng hồn nhiên, rút ruột vàng, rút ruột tươi, rút ruột rờ rỡ để mà đối sắc với cái màu xanh vời vợi của trời Cao nguyên mùa khô hòa sắc với màu đỏ đất ba zan, khoe sắc với những thảm mây trắng bồng bềnh vừa trôi vừa đậu nhởn nhơ và tán sắc với cái đương thì của những ngày gió cả, gió lồng lộn giao hoan với từng cánh hoa vàng, với cả thảm vàng sẵn sàng ngả ra ràm rạp để hân hoan giữa nắng giữa đất, giữa trời và giữa gió. Cuộc giao hoan tưởng như ngẫu nhiên nhưng lại là sự chờ đợi và chuẩn bị tự bao giờ, để khi ập vào nhau, nó hết sức dữ dội nhưng lại không thô bạo như bão như lũ, mà dâng hiến cho con người những cảm xúc ngơ ngẩn đến tuyệt vời, bởi nó đẹp đến không tưởng, đến vô ngôn.

Rất nhiều chữ, nhiều màu, nhiều góc máy, bố cục... của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh... đã tả đã ghi đã chiêm nghiệm điều ấy, nhưng hình như chưa bao giờ, chưa thể chạm tới cái điều vừa giản dị vừa thiêng liêng, vừa tự nhiên vừa ngẫu hứng, vừa như là không thể nhưng đã là có thể... của cuộc hòa sắc vĩ đại, cuộc ù ập khoáng đạt mà lại vẫn giữ gìn của dã quỳ, gió, nắng và ba zan này...

Mà dã quỳ, chúm chím dậy thì có vẻ đẹp của chúm chím dậy thì. Viên mãn có vẻ đẹp của viên mãn, và tàn có vẻ đẹp của tàn. Chiều muộn, gặp mấy cái hoa dã quỳ khô, hình như nó là quả, khô khẳng hắt lên trời, mấy tay nhiếp ảnh rú lên, giành nhau chụp. Tôi đã xem mấy cái ảnh chụp những bông dã quỳ khô ngược sáng, trời ơi là nó đẹp, như là một siêu hiện thực.

Dã quỳ đã trở thành một biểu tượng của cái đẹp, của Tây Nguyên, của an bình thanh nhã, của khát vọng tự do, của thanh cao của nghị lực, của một cái gì đấy vừa thiêng liêng vừa gần gũi...

Nên giờ trên bản đồ du lịch nước Việt, có thêm một chấm vàng: lễ hội dã quỳ Chư Đang Ya.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.