Một cô giáo ở Texas (Mỹ) vừa quyết định từ bỏ nghề giáo sau khi tiết lộ những “góc khuất” trong nghề nghiệp của mình. Trong bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, cô Julie Marburger đã chia sẻ những vấn đề và thách thức mà cô phải đối mặt trong lớp học bao gồm sự nghèo nàn về trang thiết bị, hành vi xấu xí của học sinh và đặc biệt là sự nuông chiều con cái quá mức của phụ huynh.
Julie Marburger khẳng định mình chưa từng thấy nghề nào mà ở đó người ta dốc hết trái tim và tâm hồn vào công việc, bớt xén thời gian dành cho gia đình và được trả một khoản tiền rẻ mạt như nghề giáo. “Hầu hết phụ huynh không thể chịu nổi khi phải dành vài tiếng mỗi ngày với trẻ, nhưng chúng tôi dành đến 8 tiếng với con của họ và 140 đứa trẻ khác. Đòi hỏi một cuộc trò chuyện lịch sự và thái độ nhã nhặn có phải là quá nhiều hay không?” – cô giáo trẻ trăn trở.
Ở Việt Nam, một cô giáo đã tự tước quyền được giao tiếp với học trò suốt ba tháng đứng lớp vì “có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng, có gì thì tung ra đánh cô giáo”. Sự việc chỉ bại lộ khi em Phạm Song Toàn (lớp 11A1 trường THPT Long Thới) bật khóc kể lại hành động khó hiểu của cô giáo tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục và học sinh.
Điều đáng buồn nhất ở câu chuyện này không phải chỉ là hiện tượng “cô giáo như... mẹ chồng” mà là việc gia đình em Toàn đã quyết định xin chuyển trường cho con sau áp lực rất lớn tại trường suốt thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu sở GD&ĐT giải quyết nhanh việc chuyển trường và nhận định: “Việc chuyển trường thiệt thòi cho em Toàn nhưng không còn cách nào khác. Qua dư luận, tôi cảm thấy bất an khi để Toàn trong môi trường đó”. Như vậy không lâu nữa, em Toàn sẽ được “giải cứu” nhưng chẳng biết đến bao giờ ngành giáo dục mới được “giải cứu” khỏi bến đò đang lở dần những giá trị tốt đẹp.
T.C