Sự mạnh dạn đột phá!
Mới đây, việc Hà Tĩnh đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 có điểm thi IELTS 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh, không cần phải thi đang gây nhiều tranh luận.
Cụ thể, có 6 học sinh đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh; 20 học sinh đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì và 44 học sinh đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba. Những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 - 2021 và được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định.
Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Tĩnh, chủ trương này được địa phương thực hiện từ năm 2018, với mục đích khuyến khích, đẩy mạnh phong trào dạy và học Tiếng Anh trong các nhà trường, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh. Ngoài chứng chỉ IELTS, những học sinh có chứng chỉ TOEFL và một số chứng chỉ khác cũng được chấp nhận.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, TS. Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) - bày tỏ: “Trước hết, tôi nghiêng về đồng tình với cách làm này của sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhiều hơn. Thực tế dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông của chúng ta trong nhiều năm nay, mặc dù đã triển khai nhiều dự án nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trong khi đó, của tiếng Anh ngày càng được củng cố. Ngay cả sau kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh trở thành sinh viên trong môi trường đại học rồi đến khi ra trường, tiếng Anh cũng như một công cụ để mỗi cá nhân tham gia vào lực lượng nguồn nhân lực.
Tôi cho rằng, việc làm của Hà Tĩnh mang tính đột phá. Đó là một sự mạnh dạn!
Đây cũng được xem như thổi thêm một luồng gió mới, tạo thêm động lực cho học sinh, đẩy mạnh tinh thần và phong trào học tiếng Anh trong chương trình phổ thông”.
Cũng ủng hộ chủ trương góp phần khích lệ học sinh này, cô giáo Trịnh Thị T. - một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội - chia sẻ: “Trong thực tế, đối với một học sinh thi IELTS đạt 6.5 trở lên, nếu luyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh chắc chắn sẽ có giải trong tầm tay, đó là điều tôi đã nhìn thấy ở rất nhiều học sinh. Bởi, quá trình học thi để đạt được những số điểm IELTS như vậy không dễ dàng gì, quy trình thi IELTS phản ánh trung thực và chuẩn xác trình độ của thí sinh theo chuẩn tiếng Anh quốc tế… Vậy, tại sao, chúng ta không tạo thêm động lực để gieo thêm đam mê học tiếng Anh cho nhiều học sinh hơn nữa?”.
Mất công bằng trong xét tuyển đại học?
Trong khi đó, nhiều ý kiến đề cập đến, hiện nay, nhiều trường đại học có phương thức xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm với học sinh giỏi cấp tỉnh. Trước những băn khoăn về câu chuyện “Hà Tĩnh cho phép đặc cách còn các địa phương khác chưa cho, thì có tạo ra sự bất công trong xét tuyển đại học?”, TS. Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, bên cạnh môn tiếng Anh, còn có rất nhiều môn học khác. Và bên cạnh danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cũng còn có rất nhiều thành tích khác để các trường đại học ưu tiên xét tuyển. Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là những tiêu chí mà các trường đại học có thể căn cứ và đánh giá toàn diện hơn.
Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng THPT Lộc Phát cũng nhận định: “Năm nay, có 70 học sinh tại Hà Tĩnh đạt IELTS 6.5 trở lên. Nhưng, so sánh với các địa phương khác thì sẽ như thế nào? Chẳng hạn, ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh, nếu xét về IELTS 6.5 trở lên thì sẽ có rất nhiều học sinh đạt được. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương khác nhau, lại có những tiêu chuẩn khác nhau, không thể so sánh, đánh đồng như nhau về điều kiện, cơ hội học tập… Như vậy, có nghĩa, nếu học sinh cứ đạt IELTS 6.5 trở lên đều được đặc cách trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh, rồi được ưu tiên xét tuyển đại học, thì sẽ tạo ra tình trạng lộn xộn giữa các địa phương, không quản lý được”.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - cũng cho rằng, việc sở GD&ĐT Hà Tĩnh công nhận đặc cách cho những học sinh đạt IELTS 6.5 trở lên trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ có giá trị tại riêng địa phương. Theo ông, đối với kỳ tuyển sinh chung của cả nước, không thể lấy đó làm một trong những tiêu chí xét tuyển, vì như vậy sẽ làm hỗn loạn.
“Để được ưu tiên trong xét tuyển đại học, điều này phải được quy định đồng bộ. Khi bộ GD&ĐT chưa có quy định chung thì sẽ không có giá trị” - ông nhấn mạnh.
“Mặc dù, đây là quyết định mang tính đột phá, có tác dụng tích cực trong động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh, tuy nhiên, theo tôi, phía bộ GD&ĐT cần có những cuộc hội thảo, trao đổi, thống nhất cho học sinh khi đạt IELTS ở một trình độ nào, hoặc một số chứng chỉ quốc tế khác, thì nên đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng phải làm như thế nào, cân nhắc, tính toán thật kỹ để có hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo tính công bằng trên cả nước, đặc biệt, phải xét đến yếu tố vùng miền và đặc trưng điều kiện của từng địa phương.
Từ thực tế của sở GD&ĐT Hà Tĩnh, gióng lên một hồi chuông, bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý, phải kịp thời nhìn nhận hai vấn đề: Một là đánh giá lại thực trạng dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông; thứ hai là đảm bảo công bằng trong công tác khen thưởng, đánh giá giữa các địa phương” - TS. Nguyễn Hoàng Chương phân tích thêm.
Cẩm Mịch