Chiều nay (10/11), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) hay còn gọi là Đặc khu hành chính - kinh tế.
Dự thảo Luật này đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri. Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tạo cơ chế đặc thù sẽ phát huy tối đa những lợi thế của 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Dự thảo luật Đơn vị HCKTĐB gồm 6 chương, 104 điều và 4 phụ lục quy định về quy hoạch đơn vị HCKTĐB, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước tại đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự thảo Luật (Điều 40, 41), đơn vị HCKTĐB sẽ không có UBND, HĐND mà thay vào đó, Trưởng đơn vị HCKTĐB “là người đứng đầu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của Hiến pháp, luật này, pháp luật có liên quan và phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương tỉnh và cơ quan Nhà nước cấp trên; thực hiện quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động hành chính của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức”.
Trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định) trên 13 lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp...
Chí Công