Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi động thái của Trung Quốc là "bước đi lớn" sau khi nước này quyết định gửi một phái đoàn đến Triều Tiên vào ngày 17/11. Đây được coi là thành công bước đầu đến từ chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 16/11, ông Trump cho rằng, điều này có thể dẫn đến bước phát triển mới trong bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc đang gửi phái viên và phái đoàn đến Triều Tiên - Một bước đi lớn, chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra!", ông viết.
Vị Tổng thống 71 tuổi vừa hoàn thành một chuyến công du kéo dài hai tuần tại khu vực châu Á, trong đó có điểm dừng ở Bắc Kinh, nơi ông kêu gọi áp lực ngoại giao mạnh mẽ hơn để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Tống Đào, Vụ trưởng vụ Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc phái viên được cử đến Triều Tiên ngày hôm nay, theo Tân Hoa Xã.
Đây là lần đầu tiên trong năm nay một quan chức cấp cao Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng.
Mặc dù vậy, không nhiều chuyên gia cho rằng động thái trên xuất phát từ nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc của Tổng thống Trump.
"Ông Trump dường như đã thuyết phục được người Trung Quốc và có thể Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét khi cử một phái viên tới Bình Nhưỡng để thảo luận về chương trình hạt nhân", Robert Kelly, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc cho hay.
"Nhưng cũng có khả năng đây chỉ là một cuộc trao đổi thông tin. Người Triều Tiên muốn biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra", ông nhấn mạnh.
Tong Zhao, một nhà nghiên cứu tại trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh cho biết, chuyến đi khó có thể là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông đánh giá chuyến thăm này trên thực tế chỉ là hình thức xã giao truyền thống. Đặc phái viên Trung Quốc chỉ đơn giản là thông báo cho Đảng Lao động Triều Tiên về kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản Đảng 19 của Trung Quốc hồi tháng 10, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được bầu thêm một nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, Zhao nói rằng "rất có khả năng" chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ đưa vào như là một phần trong các cuộc thảo luận.
Hàn gắn mối quan hệ
Học giả John Delury từ đại học Yonsei Graduate có trụ sở tại Seoul lại nhận định, động thái gửi phái viên cho thấy Trung Quốc sẽ hạ nhiệt căng thẳng với Bình Nhưỡng và mở lại các kênh thông tin liên lạc bị đóng băng khi quan hệ hai nước xấu đi thời gian qua.
"Nhiều người đang tìm kiếm một bước đột phá trong bế tắc về chương trình tên lửa hạt nhân và rõ ràng có một chút hy vọng ở trong đó. Dẫu vậy, trọng tâm chính vẫn là cải thiện quan hệ Tập Cận Bình-Kim Jong-un và tìm kiếm những gì họ có thể làm với nhau", ông nói.
Trước đó, đã có những dấu hiệu cho thấy hai quốc gia hàng xóm thân thiết bắt đầu hàn gắn lại quan hệ từ hồi tháng 10, khi ông Tập viết thư cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để "thúc đẩy quan hệ giữa hai bên".
Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Zhao nói rằng, có lẽ không có bất kỳ bước đột phá lớn nào trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của đặc phái viên Bắc Kinh: "Đó có thể là cuộc trao đổi về quan hệ lâu dài giữa cả hai".
Do đó, kết quả chuyến đi của đặc phái viên Tống Đào có thể sẽ không khiến ông Trump cảm thấy hài lòng.
Hoc giả Delury đánh giá, đây là thời điểm nhạy cảm, do đó bất kỳ thông tin nào cũng cần được phân tích kỹ càng.
“Chìa khóa” để nhận biết được chuyến đi của đặc phái viên Tống Đào có thành công và đạt được sự đồng nhất trong vấn đề hạt nhân hay không, có thể xem cách mà phía Triều Tiên thông báo trên các phương tiện truyền thông.
"Cách mà những người Triều Tiên thông báo về chuyến thăm, nhà lãnh đạo mà vị khách sẽ gặp hay giọng điệu trong các bài viết sẽ cho chúng ta biết rằng đã có một số tiến bộ tích cực đạt được hay rốt cuộc chỉ là một cuộc trao đổi không vừa lòng", Delury nói.