“Đây có thể là lần duy nhất tôi đồng ý với người Nga”, ông Roger Carstens, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề con tin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình Canada phát sóng hôm 31/3.
Nhà ngoại giao Mỹ giải thích rằng việc kiểm tra thực tế mọi câu chuyện về các thỏa thuận trao đổi tù nhân tiềm năng, “có thể gây bất lợi cho việc đưa những người này về nhà”.
Ông Carstens đang đề cập đến nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, 32 tuổi và công dân Mỹ gốc Canada Paul Whelan, 54 tuổi; cả 2 đều đang bị giam giữ tại các nhà tù của Nga với cáo buộc gián điệp.
Ông Gershkovich là phóng viên của tờ báo Mỹ Wall Street Journal, bị bắt từ ngày 29/3 năm ngoái và hiện đang ở nhà tù Lefortovo tại Moscow. Ông Whelan là cựu giám đốc một công ty an ninh và cựu quân nhân thủy quân lục chiến Mỹ, bị bắt vào năm 2018 khi đang ở Moscow để dự đám cưới một người bạn.
Trước thềm dấu mốc một năm ngày nhà báo Mỹ bị bắt, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng “một số liên hệ nhất định” đã được thực hiện khi đề cập đến các thỏa thuận trao đổi tù nhân tiềm năng, nhưng chúng sẽ phải được thực hiện một cách bí mật.
“Về các vấn đề trao đổi tù nhân, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng có một số liên hệ nhất định nhưng chúng phải được thực hiện trong im lặng tuyệt đối”, hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Peskov cho biết hôm 28/3.
Một tòa án ở Moscow tuần trước tuyên bố rằng thời gian giam giữ trước khi xét xử Gershkovich sẽ được kéo dài thêm 3 tháng. Ông Carstens, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề con tin, cho biết ông coi việc kéo dài khoảng thời gian này là một điều tích cực, có thể báo hiệu rằng người Nga muốn đạt được một thỏa thuận trong 90 ngày tới.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể hoàn thành được điều gì đó trước khi Evan thực sự bắt đầu bị xét xử”, ông Carstens nói.
Việc thời gian giam giữ trước khi xét xử được kéo dài giúp nhóm đàm phán của ông Carstens “có thêm thời gian và không gian để cố gắng tìm ra cách đi đến một thỏa thuận mà cả 2 bên đều chấp nhận được.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Canada, ông Carstens cũng cho biết, “vì lý do kỳ lạ nào đó” các kênh ngoại giao được sử dụng trong các cuộc đàm phán về con tin có thể bị chặn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia.
“Ngay cả khi mọi thứ căng thẳng giữa chúng tôi và người Nga... chúng tôi vẫn thường tìm cách làm việc với họ để đưa công dân của chúng tôi về nước”, vị quan chức Mỹ nói, lấy ví dụ về trường hợp trao đổi tù nhân thành công của ngôi sao bóng rổ Brittney Griner và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Trevor Reed.
Paul Beckett, đồng nghiệp của Gershkovich tại tờ Wall Street Journal, tìm thấy hy vọng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến Gershkovich trong 2 sự kiện cấp cao gần đây: cuộc phỏng vấn của ông với nhà báo Mỹ Tucker Carlson và cuộc họp báo thường niên của nhà lãnh đạo Nga.
“Chúng tôi hiểu những cuộc đàm phán trao đổi tù nhân vẫn đang diễn ra và chúng tôi chỉ mong chúng mang lại kết quả”, Beckett nói.
Ông Carstens cho biết, bằng cách đề cập đến Gershkovich, ông Putin có thể gợi ý rằng một thỏa thuận là khả thi.
“Thật khó để nhét chữ vào miệng bất kỳ Tổng thống nào, chứ đừng nói đến Tổng thống Putin, nhưng tôi muốn coi đó là tín hiệu cho thấy ông ấy hoàn toàn sẵn sàng thỏa thuận và đạt được thỏa thuận với chúng tôi”, ông Carstens nói.
Cuối cùng, nhà ngoại giao cho biết, thông điệp của ông gửi tới Gershkovich và Whelan là Mỹ sẽ không dừng lại cho đến khi họ về nhà.
Minh Đức (Theo CBC News, The Hill)