Loài ếch cây ma cà rồng từ khi được nhóm các nhà nghiên cứu của bảo tàng Úc, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và bảo tàng lịch sử tự nhiên bang North Carolina (Mỹ) phát hiện và công bố rộng rãi đã khiến động vật này trở thành "món hàng" săn lùng của nhiều người. Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, người dân xôn xao truyền tai nhau loài ếch cây ma cà rồng có dược tính có thể chữa được hàng loạt căn bệnh nan y, hiểm nghèo, ung thư... Và đặc biệt, "thần dược" này giúp chữa bệnh phòng the cho đàn ông và phụ nữ yếu sinh lý. Chính vì vậy, nhiều thương lái tìm đến Lâm Đồng thuê người dân địa phương lùng bắt loài ếch này để bán cho người có nhu cầu.
TS. di truyền học Nguyễn Công Thoại
Anh Bùi Văn Đào (39 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết: "Tại một số quán nhậu tại TP.HCM đang có một loại rượu đặc sản được xem là "thần dược" cải thiện phong độ đàn ông mang tên rượu ngâm ếch cây ma cà rồng. Mỗi lần đến các quán này ăn nhậu, tôi đều yêu cầu chủ quán đem ra vài xị để thưởng thức. Giá loại rượu này khá mắc, 1 xị rượu có giá 500 ngàn đồng". Được sự chỉ dẫn của anh Đào, PV tìm gặp ông B., một thương lái chuyên đi tìm mua loài ếch cây ma cà rồng tại Lâm Đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông B. cho hay: "Từ khi những đặc điểm sinh học kỳ lạ của loài ếch ma cà rồng được công bố rộng rãi, những lời đồn thổi về loài động vật này có thể chữa bách bệnh xuất hiện. Thời gian sau, nhiều dân nhậu truyền tai nhau, nếu loài ếch này được chế biến thành món ăn, ngâm rượu... thì còn "cải thiện" nhiều thứ khác. Vì thấy nhu cầu ngày càng tăng cao nên tôi thuê người dân ở Lâm Đồng lùng bắt".
Nhiều người dân ở Lâm Đồng cho biết, loài ếch cây ma cà rồng được gọi là "ếch quỉ" vì chúng có "răng nanh". Bà Hồ Thị Phỉ (65 tuổi) cho biết: "Nhiều người dân địa phương mỗi khi đi rừng gặp loài ếch này đều cố gắng lùng bắt cho bằng được. Bởi chúng có thịt khá ngon và được người dân xem là đặc sản. Hơn nữa, giá bán của chúng rất cao. Tuy nhiên, loài ếch này hiện khá khan hiếm. Việc bắt được chúng cũng rất khó khăn. Hiện loài ếch này chỉ còn nhiều ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà vì được các cơ quan chức năng bảo vệ".
TS. di truyền học Nguyễn Công Thoại (trường ĐH Đà Lạt), người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực đa dạng sinh học tại Lâm Đồng cho biết: "Thực tế cho thấy số lượng cá thể loài ếch cây ma cà rồng tại Lâm Đồng đang giảm sút do những lời đồn thổi chữa bách bệnh. Hiện nay, nhiều đối tượng chuyên săn lùng động vật quý hiếm và ếch ma cà rồng đang chui rúc ở các cánh rừng Lâm Đồng. Mặc dù các cơ quan kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng chúng vẫn bất chấp nguy hiểm để săn bắt".
Trước những thông tin đồn thổi về loài ếch cây ma cà rồng có tác dụng chữa được hàng loạt căn bệnh như nan y, hiểm nghèo... và đặc biệt chữa bệnh phòng the cho đàn ông và phụ nữ yếu sinh lý. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hương, người thực hiện một số công trình nghiên cứu về thịt động vật trong việc chữa bệnh tại TP.HCM, cho biết: "Từ trước đến nay, mỗi khi các loài động vật này có nhiều đặc điểm sinh học kỳ lạ được phát hiện, lập tức hàng loạt lời đồn thổi được thêu dệt nên. Loài ếch cây ma cà rồng là một trong những loài vật như vậy. Tôi xin khuyến cáo rằng, thịt loài ếch này không có tác dụng chữa bệnh. Hơn nữa, thông tin nó giúp cải thiện sinh lý ở đàn ông và phụ nữ càng hoang đường. Những lời đồn thổi về loài ếch quý hiếm này là chiêu của các đối tượng lừa đảo tung ra để trục lợi. Do vậy, người dân cần phải hết sức chú ý, cảnh giác để không dính phải "quả lừa””.
T.Nguyên - P.Phúc