Ở nước ta có một loại chè đặc sản được lấy từ cây chè shan tuyết cổ, có tuổi đời khoảng vài trăm năm. Để mua được 1kg chè loại hảo hạng này khách hàng phải bỏ ra số tiền rất cao lên đến 20 triệu đồng.
Cây chè lâu đời nhất ở xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái đến nay khoảng 500 tuổi, người dân nơi đây gọi nó là cây chè Tổ. Muốn chè chất lượng người dân chăm sóc cây rất tỉ mẩn. Được biết trước đây cây có thân khỏe, chu vi bằng một người ôm, tán xòe rộng hơn 20 m2 và theo những người dân địa phương thì mỗi vụ chè, cây vẫn cho thu hoạch trên 20kg chè búp. Tuy nhiên, hiện nay, cây chè tổ đang ngày càng già cỗi, chết dần, tán lá thưa thớt, thân cây chỉ còn lại một nửa.
Để có loại chè chất lượng nhất người dân thường thu hoạch một vụ duy nhất vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm với sản lượng trung bình khoảng 5kg chè tươi. Sau khi chế biến, sẽ được khoảng hơn 1kg chè khô. Điều đáng nói để bán được giá đắt đỏ người dân đi hái búp chè tươi về sẽ phân loại để chế biến thành nhiều loại trà gồm: bạch trà, hồng trà, lục trà…
Trong đó, bạch trà là loại quý hiếm nhất, được chế biến từ “tôm” chè (búp non duy nhất có màu trắng tuyết), số lượng vô cùng ít. Sau đó đếnhồng trà (1 tôm 2 lá), lục trà (1 tôm 3 lá)...
Quy trình chế biến shan tuyết ở Suối Giàng rất phức tạp, trải qua nhiều bước như sao héo chè, vò chè, sao khô chè, lấy hương chè. Quá trình này phải trải qua ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Đối với bạch trà, quy trình này sẽ phức tạp hơn, mỗi người chế biến loại chè này sẽ có bí quyết riêng không tiết lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, các bí quyết chủ yếu xoay quanh việc giữ lại những sợi “tuyết" trắng sẵn có trên tôm chè.
Không phải cây chè cổ thụ nào cũng cho loại chè hảo hạng có giá đắt đỏ mà một số cây cổ thụ khác có giá “dễ chịu” hơn nhiều. Ông Sổng A Páo, người chăm sóc đặc biệt cho một cây chè shan tuyết di sản khác có tuổi đời 500 tuổi cho biết, chè từ cây này có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg đối với bạch trà.
Bạch trà được thu hái từ những cây trà cổ thụ vài trăm năm tuổi trên đỉnh núi. Do đó để chăm sóc những cây chè cổ thụ người dân cũng khá vất vả. Theo người dân, họ không dùng hóa chất để chăm bón và bảo tồn, vì thế cây dễ bị các loại côn trùng xâm nhập, đặc biệt là mối. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cây chè tổ chết dần chết mòn theo thời gian. Rút kinh nghiệm từ việc cây chè tổ chết mòn nhiều năm nay do mối, ông Páo hàng ngày luôn kiểm tra gốc cây chè xem có mối gây hại không. Ngoài ra, ông sẽ hái bỏ đi phần lớn những quả chè để cây tập trung dưỡng chất nuôi búp.
“Việc chăm sóc cây này không phức tạp, vất vả, vì chúng tôi không dùng hóa chất gì, cũng không bón phân gì. Chủ yếu kiểm tra mối còn lại để cây sinh trưởng tự nhiên với khí hậu nơi đây", ông Páo chia sẻ với VTC News.
Bên cạnh đó ông Páo nhấn mạnh, cây chè này mỗi năm cho thu hoạch 3 lần vào mùa xuân và mùa hạ, cho sản lượng 10kg chè tươi mỗi lần. Cứ đến kỳ thu hoạch, ông Páo lại bắc giàn giáo xung quanh, nhằm tránh ảnh hưởng đến tán cây.
Ngoài hai cây chè cổ thụ kể trên, xã Suối Giàng còn có hàng trăm gốc chè cổ thụ có tuổi đời 200 - 400 năm tuổi. Theo thống kê, diện tích chè tuyết có 393 ha, trong đó diện tích cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là 293 ha, còn 100 ha do người dân nơi đây trồng mới.
Cũng theo người dân ở đây, ở sâu trong rừng, vẫn còn những cây chè shan tuyết khác có chiều cao, tán lá rộng hơn rất nhiều, giống như những cây đại thụ thực thụ.
Từng tiết lộ với Dân Việt, chị Việt Hà – một nhân viên của cơ sở sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ cho hay để hái chè, người dân phải trèo lên những cây chè cao, có độ tuổi lên đến vài trăm năm. Thông thường, cây chè này được canh tác hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất cứ hóa chất hay phân bón gì nên được xem là chè sạch.
Cận cây chè Shan tuyết cổ thụ 500 tuổi, giá hơn 6 tỷ đồng chủ vẫn không bán
Cây chè Shan tuyết đắt đỏ nhắc đến đã khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng (Yên Bái). Có thể nói đây là cây cổ thụ đẹp nhất vùng. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không giao dịch mua bán.
Từ xa xưa suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đến Suối Giàng được ngắm nhìn, thưởng thức thứ chè đặc sản mang tên Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Theo Vietnamnet người dân huyện Văn Chấn cho biết, trong những cây chè cổ nơi đây, cây chè Shan tuyết số 003 khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) là đẹp nhất vùng. Cây có tán rộng, mọc đều. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không giao dịch mua bán.
Trúc Chi (t/h)