Dịch virus corona mới bùng phát vào cuối tháng 12 ở Vũ Hán đã lây nhiễm cho gần 20.000 người ở nhiều quốc gia, đa số là ở Trung Quốc.
Theo thông tin mới nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong số những người bị nhiễm bệnh đã có 623 người hồi phục hoàn toàn và con số tử vong tính đến nay là 426 người. Phần còn lại vẫn đang được điều trị.
Zhan Qingyuan, giám đốc phòng ngừa và điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, cho biết ngay cả những người đã hồi phục có thể vẫn không miễn dịch với virus.
"Đối với những bệnh nhân đã được chữa khỏi, khả năng tái phát vẫn xảy ra", đài truyền hình Trung Quốc CGTN dẫn lời ông Zhan nói trong một cuộc họp ngắn hôm 31/1. "Kháng thể sẽ được tạo ra trong cơ thể, tuy nhiên, ở một số người, kháng thể không thể tồn tại được lâu".
Nguy cơ tái nhiễm
Họ virus corona bao gồm các loại virus gây ra SARS, MERS và cảm lạnh thông thường. Hầu hết các virus này gây nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ đến trung bình.
Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ cố gắng kiểm soát tế bào chủ. Để phản ứng lại, hệ thống miễn dịch của chúng ta tạo ra các kháng thể, thường là các protein để loại bỏ virus.
Đây là cơ chế để con người trở nên miễn nhiễm với một số bệnh. Tương tự như vậy, một khi đã mắc bệnh, cơ thể con người sẽ tạo ra kháng thể để giúp chúng ta không mắc bệnh đó thêm lần nữa.
Ví dụ như trẻ em bị nhiễm thủy đậu sẽ miễn dịch với căn bệnh này khi trưởng thành. Ngoài ra, vắc xin cũng là một cách để phát triển khả năng miễn dịch.
"Với nhiều bệnh truyền nhiễm, một người có thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại một chủng cụ thể sau khi bị nhiễm", Amira Roess, giáo sư về Sức khỏe và Dịch tễ học Toàn cầu tại Đại học George Mason, nói với Business Insider. "Thông thường, người đó sẽ không bị bệnh trở lại. Nhưng với chủng virus corona mới, các nhà khoa học đang nghiên cứu để trả lời câu hỏi này".
Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu virus nói rằng họ chưa đủ kiến thức về virus corona Vũ Hán để có thể khẳng định liệu con người có phát triển miễn dịch hoàn toàn sau khi mắc bệnh hay không.
Theo Zhan, các bác sĩ không chắc chắn rằng kháng thể mà bệnh nhân phát triển là đủ mạnh hay lâu dài để khiến họ không mắc bệnh lần nữa.
Virus cũng có thể biến đổi nhanh chóng, do đó khả năng miễn dịch với một chủng không đảm bảo khả năng miễn dịch với một chủng khác.
Virus corona gây hại thế nào?
Chúng ta thường nghĩ về nhiễm trùng đường hô hấp do virus sẽ giống như cảm lạnh thông thường, chỉ gây ra những phiền toái nhẹ trong một vài ngày. Tuy nhiên, cách mà virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán gây hại cho con người đã được chứng minh là khác hoàn toàn.
Vẫn còn nhiều điều các bác sĩ chưa tìm hiểu về loại virus mới này, nhưng về cơ bản chúng thường gây ra viêm phổi, nhiễm trùng phổi, tạo ra mủ và dịch, làm giảm khả năng hấp thụ oxy của phổi, theo The Conversation.
Trong số 99 người đầu tiên bị nhiễm trùng nặng vì virus mới, 3/4 trong số đó bị viêm phổi liên quan đến cả hai phổi. Khoảng 14% số bệnh nhân bị tổn thương phổi do hệ thống miễn dịch, trong khi 11% bị suy đa hệ thống hoặc nhiễm trùng máu.
Các nghiên cứu từ những bệnh nhân tử vong do dịch SARS cho thấy loại virus này gây ra tổn hại cho không chỉ phổi mà còn các cơ quan khác trong cơ thể. Nghiên cứu ban đầu cho thấy virus corona Vũ Hán cũng có thể làm tổn hại các cơ quan khác, bao gồm cả thận.
Ngoài ra, một trong những nguy cơ khiến bệnh nặng thêm đến từ nguy cơ bị biến chứng trong quá trình điều trị ở bệnh viện, chẳng hạn như bị nhiễm trùng.
Chúng có thể là nhiễm trùng từ đường truyền tĩnh mạch hoặc ống thông tiểu, viêm phổi, hoặc các biến chứng không nhiễm trùng khác.
Các bệnh viện luôn cố gắng ngăn ngừa các biến chứng này, bằng cách đảm bảo nhân viên y tế khử trùng tay và các thiết bị. Tuy nhiên, các biến chứng vẫn xảy ra, đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy nhược sau thời gian nằm viện dài.