Sáng 24/7, TAND TP.HCM đưa các bị cáo Phạm Công Danh (SN 1964, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến Phạm Công Danh, phiên tòa cũng xét xử bị cáo Trầm Bê (cựu Chủ tịch hội đồng Tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về cùng hành vi với Danh.
Trong phiên tòa này, TAND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 63 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Danh có 7 luật sư gồm: Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Hà Hải (đoàn Luật sư TP.HCM) và 5 luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội gồm: Luật sư Trương Quốc Hòe, luật sư Bùi Phương Lan, luật sư Chu Mạnh Cường, luật sư Trần Minh Hải và luật sư Bùi Thị Hồng Giang.
Tuy nhiên, tại tòa, luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh) cho biết, trong danh sách người bào chữa cho ông Danh thì có luật sư Trương Quốc Hoè đã rút đơn theo đề nghị của Phạm Công Danh.
Bị cáo Trầm Bê có 2 luật sư gồm: Luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, luật sư Phạm Ngọc Trung (cùng thuộc đoàn Luật sư TP.HCM).
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập 235 cá nhân, tổ chức đến tòa với 1 trong 2 tư cách tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Trong đó, có những cái tên quen thuộc như: Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng Giám đốc BIDV), ông Trần Lục Lang (Phó Tổng Giám đốc BIDV), bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát), bị án Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng TMCP Đại Tín - Trustbank), ông Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh), Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CB), Trần Quý Thanh (Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát)…
Liên quan vụ án, tòa cũng có thư triệu tập đại diện 7 ngân hàng, 8 thành viên đoàn Giám định tư pháp Ngân hàng Nhà nước đến phiên xử, trong đó có ông Đặng Văn Thảo (Phó Vụ trưởng vụ Ổn định tiền tệ NHNN).
Theo quan sát của PV, các bị cáo được dẫn giải đến tòa từ khá sớm. Hai bị cáo được chú ý nhiều nhất là Phạm Công Danh và Trầm Bê tỏ ra mệt mỏi hơn so với phiên tòa hối đầu năm nay.
Ngoài ra, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được mong đợi sẽ đến tòa như ông Trần Bắc Hà, ông Trần Quý Thanh… Tuy nhiên, đến 9h sáng nay, những cá nhân này vẫn không có mặt.
Chủ toạ Lương Phạm Toản cho biết, ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt do đang chữa bệnh tại Singapore.
Vụ án này từng được đưa ra xét xử hồi tháng 1/2018. Sau gần 1 tháng xét xử, chiều 7/2, HĐXX đã tuyên bố trả hồ sơ điều tra 9 vấn đề chưa được làm rõ. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng không phát hiện thấy tình tiết nào mới, tội phạm nào mới nên VKSND quyết định giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng được công bố hồi tháng 1/2018.
Tại phiên tòa này, hai bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê cũng được ra ngoài chăm sóc sức khỏe khi HĐXX đang làm thủ tục. Để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, HĐXX cũng bố trí phòng, đội ngũ bác sĩ để chăm sóc cho các bị cáo khi cần.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của nhà băng này.
Cụ thể, thời điểm giữa năm 2012, ngân hàng TMCP Đại Tín – Trustbank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) sở hữu 84,92% cổ phần.
Tháng 9/2012, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank. Lúc này, Danh nắm toàn bộ quyền chi phối ngân hàng. Danh đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của Trustbank.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh đã triệu tập, tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 7/2/2013 và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Trustbank. Đến ngày 23/5/2013, Trustbank được đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Kể từ lúc này, Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban Điều hành và ban Kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay của 3 ngân hàng này với tổng số tiền 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB. Hành vi trên của Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.126 tỷ đồng.
Phiên xử do Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa, khai mạc vào sáng 24/7 và kéo dài đến ngày 15/8.