Đại án BIDV: Hủy lệnh kê biên một căn nhà của gia đình ông Trần Bắc Hà

Đại án BIDV: Hủy lệnh kê biên một căn nhà của gia đình ông Trần Bắc Hà

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 29/06/2021 21:15

HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà Trần Lan Phương, tuyên hủy lệnh kê biên bất động sản ở số 60A Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM.

Báo Công an Nhân dân đưa tin, sau hai ngày mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” gây thất thoát số tiền hơn 1.660 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Công ty Bình Hà) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (viết tắt là Công ty Trung Dũng), chiều 29/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra phán quyết đối với ba bị cáo có đơn kháng cáo cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà); bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng); quyết định giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với ba bị cáo.

Như vậy, bị cáo Đinh Văn Dũng phải thi hành bản án 12 năm tù, bị cáo Đoàn Hồng Dũng phải thi hành bản án 18 năm tù và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn phải thi hành bản án 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo HĐXX phúc thẩm, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các bị cáo có đơn kháng cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy, Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của ngân hàng và hồ sơ pháp lý của dự án cũng chưa đầy đủ...

Nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, BIDV Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay tiền trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn.

Quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông của Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV. Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.

Hành vi chiếm đoạt tiền của bị cáo Đinh Văn Dũng được thể hiện qua việc bị cáo này chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc bán bò. Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng (đang bị truy nã quốc tế), Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của BIDV là hơn 149 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền 23,5 tỷ đồng.

“Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Đinh Văn Dũng phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Do đó, HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo”, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nêu rõ.

Đối với sai phạm của vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, HĐXX phúc thẩm xét thấy, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã có sự thống nhất là sử dụng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV.

Tiền thu được từ việc bán hàng, vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết với BIDV mà dùng để trả nợ cho Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng và sử dụng vào mục đích khác.

“Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đoàn Hồng Dũng và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn đều xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng không xuất trình được tài liệu nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của hai bị cáo”, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nêu rõ.

Theo báo Giao thông, đối với các nội dung kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Lan Phương, con gái của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã qua đời), bà Phương cũng chính là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của mẹ mình là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã mất trước phiên phúc thẩm).

Theo HĐXX, hầu hết các tài sản của vợ chồng ông Trần Bắc Hà được hình thành vào thời điểm trước khi ông Hà có hành vi vi phạm pháp luật, do đó cần tiếp tục kê biên các bất động sản mang tên vợ chồng ông Hà để đảm bảo thi hành án.

Riêng với bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan (TP.HCM), HĐXX xác định đây là tài sản riêng của bà Lan, do vậy có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương về việc giải tỏa kê biên đối với bất động sản này.

Theo thông tin đã đưa trước đó, trong quá trình xét xử phúc thẩm, ông Dũng giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan và khẳng định không chỉ đạo việc thu tiền bán bò trong dự án.

Bị cáo thừa nhận dù là Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, thế nhưng "không phải việc gì cũng được quyết", vì vậy việc bản án sơ thẩm quy kết ông chiếm đoạt tiền mua bán bò là chưa thỏa đáng.

Hai bị cáo có đơn kháng cáo còn lại là vợ chồng ông Đoàn Hồng Dũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình, cả về hình sự lẫn dân sự.

Trong khi đó, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Lan Phương cho rằng trong số những tài sản bị kê biên của vợ chồng ông Trần Bắc Hà có hai bất động sản ở TP.HCM là tài sản riêng của mẹ bà, mong được giữ lại để gia đình có nơi sinh sống.

H.H (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.