Vũ “nhôm” và Nguyễn Thị Ái Lan liên quan gì đến những thiệt hại của DongABank?
Cáo trạng xác định, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Bắc Nam 79) đã lạm dụng quyền hạn, chức vụ chiếm đoạt gần 203 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Đây là số tiền nằm trong khoản 600 tỷ đồng mà DongABank đã chuyển cho Vũ “nhôm” khi nhà băng này thất bại trong việc tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014.
Theo đó, Vũ “nhôm” lấy 400 tỷ đồng từ nguồn vay của chính DongABank (tài sản thế chấp là 220 lô đất của Vũ “nhôm” tại TP.Đà Nẵng) và 200 tỷ đồng được Trần Phương Bình tất toán khống cho Vũ “nhôm” nộp vào DongABank để mua 60 triệu cổ phần.
Khi DongABank không thể tăng vốn điều lệ, Bình chuyển 600 tỷ đồng tiền gốc và 9,5 tỷ đồng lãi lại cho Vũ “nhôm”. Sau đó, Vũ chỉ nộp trả lại cho DongABank 400 tỷ đồng, còn 203 tỷ tiền gốc và lãi Vũ chiếm đoạt.
Về cáo buộc trên, Vũ kêu oan vì cho rằng cáo trạng quy kết mình là không đúng. Theo Vũ, giữa Vũ và Trần Phương Bình có hợp tác làm ăn, cùng mua 60 triệu cổ phần của DongABank. Và Vũ nghĩ 200 tỷ đồng là của Trần Phương Bình chứ không phải của DongABank nên Vũ không có hành vi chiếm đoạt số tiền này của ngân hàng.
Về sai phạm của Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng Quản lý tài sản nợ thuộc khối Kinh doanh nguồn vốn của DongABank), cáo trạng truy tố bị cáo này phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thể hiện ở 2 hành vi cụ thể đó là: Kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại gần 353 tỷ đồng và chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại 468 tỷ đồng. Tổng cộng, Lan đã gây thiệt hại của DongABank hơn 820 tỷ đồng. Tuy nhiên, nữ bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội.
Cách ly 2 bị cáo không thừa nhận tội trong ngày xét hỏi đầu tiên
Ngay trong phần thủ tục của phiên tòa hôm qua, Vũ “nhôm” đã kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội. Còn bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan lại không thừa nhận hành vi phạm tội ngay tại thời điểm điều tra.
Liên quan đến hành vi chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại gần 468 tỷ đồng của bị cáo Lan, cáo trạng xác định, ngày 3/3/2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quy định về việc Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm.
Để giữ chân các khách hàng lớn và huy động vốn từ các khách hàng tiềm năng, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan đã thống nhất chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của NHNN để huy động vốn.
Sau đó, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Thị Ái Lan và Trần Quang Nghĩa (từ năm 2007 là nhân viên phòng Nguồn vốn, đến tháng 6/2012 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phòng Nguồn vốn) đảm nhận việc trả lời tin nhắn về mức lãi với khách hàng sau khi thông qua Hội sở Đông Á. Theo đó, Xuyến và Lan chỉ đạo Nghĩa trả lời tin nhắn cho hàng trăm khách hàng, đồng ý theo mức lãi suất cao hơn quy định của NHNN dao động từ 1,2%/năm đến 2,8%/năm).
Dựa vào tin nhắn đã được Hội sở Đông Á duyệt, trong khoảng thời gian từ ngày 04/3/2011 đến ngày 07/4/2015, Xuyến, Lan chỉ đạo các nhân viên cấp dưới tiến hành thực hiện chi tiền lãi ngoài cho 219 đơn vị kinh doanh.
Trong khi Bình, Xuyến và các cấp dưới của Lan đều thừa nhận có việc chi lãi suất ngoài vượt mức NHNN cho phép, thì Lan lại phủ nhận, khai không biết gì về hoạt động chi lãi suất ngoài của DongABank.
Tương tự, bị cáo Lan cũng không thừa nhận có liên quan đến hành vi kinh doanh ngoại hối trái phép. Gây thiệt hại cho DongABank gần 385 tỷ đồng.
Trong vụ án này, khi khai tại cơ quan điều tra, chỉ có Vũ “nhôm” không thừa nhận hành vi phạm tội (ra tòa kêu oan ngay trong phần thủ tục) và bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan không thừa nhận các sai phạm gây thiệt hại 820 tỷ đồng của DongABank.
Chủ tọa phiên tòa quyết định cách ly 2 bị cáo Vũ "nhôm" và Nguyễn Thị Ái Lan với 24 bị cáo khác trong phiên xét hỏi đầu tiên để đảm bảo tính khách quan.