Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, năm nào Ban Bí thư có Chỉ thị về việc tổ chức Tết và nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức cho thấy Đảng ta nhìn thấy rõ biến tấu này- tức là lợi dụng chuyện thăm hỏi, biếu tặng quà tết để “đi đêm” với nhau.
“Thực tế, ngoài quà Tết thông thường, những đương sự gặp nhau “phong bì trao tay”, quà tặng “ẩn” không có người thứ ba làm chứng. Sự biến tấu về quà Tết thực sự thành nỗi lo nảy sinh biến tướng, trong khi cơ chế giám sát không có dẫn đến việc khó phát hiện vi phạm. Thực tế hiện nay, người ta không đi cửa trước cũng đi cửa sau, hẹn gặp nhau nơi kín đáo; người nhận quà Tết cũng như biếu quà Tết không ai khai báo, mà chẳng dại gì khai báo để lọt “tầm ngắm” chống tham nhũng", ĐBQH Đặng Thuần Phong thẳng thắn nêu quan điểm.
Theo vị ĐBQH này, thăm hỏi ngày Tết là nét văn hóa của người Việt nhưng nhiều người kết hợp chuyện biếu tặng quà Tết với động cơ không trong sáng, móc ngoặc những chuyện này, chuyện kia thì hết sức nguy hiểm và gần như nằm ngoài tầm kiểm soát. Thực tế, chỉ trong những vụ án bị phát lộ, người trong cuộc mới khai nhận về việc chi quà tết, “đi đêm” như thế nào ví dụ như đại án Oceanbank, cựu Tổng giám đốc ngân hàng này khai nhận đã chi quà lễ Tết hàng năm 10 tỷ đồng.
“Hối lộ không phải lúc nào cũng có thể làm được, ví dụ nếu vừa ký xong dự án mà “đối tác” đến “cảm ơn” thì dễ bị phát hiện nhưng vào dịp lễ Tết (Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các ngày lễ-PV) họ mượn cớ đến thăm hỏi, tri ân thì đó là thời điểm thuận lợi và pháp luật không thể “sờ” tới. Thực tế, ai ở trong cuộc mới biết quà Tết “khủng” đến mức nào, chỉ có hai bên đương sự mới biết cái “bắt tay” có giá trị tiền tỷ núp bóng quà Tết”, ĐBQH Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Lan- Thơm