Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (đại biểu Thái Bình) nêu đề nghị: “Tôi đề nghị chúng ta mạnh dạn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Theo ông Lộc phân tích: Cũng có lập luận rằng việc giảm thuế như vậy sẽ làm giảm thu cho ngân sách nhà nước. Nhưng lấy kinh nghiệm từ lần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28 xuống 25%, chúng ta thấy nó mở ra cơ hội cho nền kinh tế tăng thu liên tục, tăng thu với tốc độ cao trong những năm qua mặc dù kinh tế có khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Lộc nói: Chúng tôi nghĩ rằng việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, do vậy sẽ tạo ra nguồn thu mới và không phải chỉ có các doanh nghiệp được hưởng lợi mà các doanh nghiệp khác cũng có tác động lan tỏa. Không phải chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi rất lớn trong quá trình này vì các doanh nghiệp lớn được hưởng giảm thuế họ có thể đầu tư vào sản xuất kinh doanh, kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh của họ sẽ tiếp tục phát triển.
Chung suy nghĩ, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Than và khoáng sản VN Trần Xuân Hòa (đại biểu Quảng Ninh) cũng đề nghị: “Thống nhất giảm thuế suất xuống cùng một mức là 20%. Vấn đề chính là tìm cách thu cho đủ, cho hết. Tránh thất thu lớn như hiện nay để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bù lại với mức thuế thu nhập thấp hơn, doanh nghiệp sẽ chấp hành nộp thuế tốt hơn và có điều kiện tích lũy đầu tư phát triển cao hơn, nhờ đó nộp thuế nhiều hơn do quy mô lợi nhuận tăng”. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nên giảm ngay mức thuế suất xuống 20% và 18% vào các năm sau đó với tất cả doanh nghiệp.
Bỏ mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị?
“Về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, với tỉ lệ khống chế cho chi phí quảng cáo và khuyến mãi, việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp” - đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) đánh giá. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng có thể làm tốt hơn. “Đặt ra giới hạn tỉ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị bỏ tỉ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mãi ngay trong lần sửa đổi này” - ông Tín đề nghị.
Ông Đỗ Văn Vẻ cho biết hiện nay trên thế giới chỉ còn hai nước áp dụng khống chế tỉ lệ phần trăm giới hạn chi phí quảng cáo, tiếp thị. “Nếu khống chế tỉ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta. Vô hình trung doanh nghiệp VN có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta” - ông Vẻ nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi đồng ý mức trần nâng lên 15% nhưng trần đối với doanh số chứ không phải trần đối với chi phí để doanh nghiệp lập kế hoạch doanh số hằng năm, tính toán được kế hoạch về chi phí quảng cáo tiếp thị”.
Tuấn Khanh (Nguồn: Tuổi trẻ)