Đã 8 năm sau trận “đại hạn” kéo dài gần 12 tháng trong 2 năm 2004-2005, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận lại đối mặt với khô hạn khốc liệt, gây khó khăn lớn đến sản xuất và dân sinh.
Hồ, đập trơ đáy
Đã bước vào vụ hè – thu năm 2013 nhưng hầu hết các hồ thủy lợi ở Ninh Thuận đã cạn kiệt. Hơn 70% dân số ở Ninh Thuận sống với ruộng đồng chỉ còn cách… “ngửa cổ cầu mưa” để gieo trồng.
Theo báo cáo của công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh có 20 hồ chứa nước nhưng do hơn 8 tháng qua trời không mưa nên chỉ có hồ Sông Sắt (Bác Ái) là còn nước, tạm thời phục vụ sản xuất cho 1.000 ha cây trồng của bà con. Còn lại các hồ Tân Giang, CK7, Bàu Ngừ (Ninh Phước), ông Kinh, Nước Ngọt, Thành Sơn (Ninh Hải), Bà Râu, Sông Trâu (Thuận Bắc) đã cạn kiệt. “Với tình trạng này, chúng tôi chỉ có thể cố gắng giữ nước để phục vụ sinh hoạt cho người và nước uống cho tổng đàn gia súc khoảng 200.000 con” – ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, cho biết.
Trong khi đó, theo sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện tổng lượng nước tại các hồ thủy lợi trong tỉnh chỉ còn khoảng 69 triệu m3. Nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết như Sông Phan (Hàm Tân), Tân Lập, Đu Đủ, Tà Mòn (Hàm Thuận Nam) và rất nhiều hồ nhỏ đã trơ đáy.
Ông Phạm Hữu Thủ, trưởng phòng nông nghiệp sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết do năm nay lượng mưa ít nên vừa qua, Tổng cục Thủy lợi và Sở NN-PTNT Bình Thuận đã làm việc với các nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và Đại Ninh (Lâm Đồng) để thống nhất lưu lượng xả tối thiểu phục vụ gieo trồng nhưng cũng không nhiều.
Không nhờ thủy điện thì chỉ biết… chờ trời
Thiếu nước nên hàng ngàn hécta lúa và nhiều loại cây trồng khác không thể xuống giống. Tại Ninh Thuận, 5.500 ha đất sản xuất ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước bỏ hoang vì thiếu nước; hàng trăm hécta cây hoa màu của người dân ở huyện Ninh Hải đang ngày một khô héo vì hạn hán.
Ông Hoàng Văn Hùng cho biết năm nay hạn hán kéo dài nên vụ hè thu này toàn tỉnh chỉ xuống giống khoảng 19.000/23.500 ha. Số diện tích trên gieo trồng được là nhờ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Krông Pha xả nước với lưu lượng 17 – 18 m3/giây. “Trong 1 tháng tới, nếu trời không mưa, nhà máy không bảo đảm lưu lượng xả ít nhất 15 m3/giây thì sẽ rất gay go” – ông Hùng lo lắng.
Còn ở Bình Thuận, vụ hè thu dự kiến gieo trồng khoảng 37.000 ha nhưng hiện chỉ có khoảng một nửa số này có thể xuống giống, tập trung ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc nhờ vào lượng nước xả từ thủy điện Đại Ninh. Trong khi đó, nông dân các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi, Tuy Phong đến thời điểm này vẫn phải… chờ trời.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho xả nước hồ Sông Dinh 3 để chống hạn vùng hạ du và cấp nước cho người dân thị xã La Gi. Dù việc này chưa giải tỏa hoàn toàn cơn khát đối với sản xuất nhưng phần nào giúp hồi sinh các cánh đồng hoa màu đang cháy nắng.
Dân đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt Nắng nóng kéo dài cũng đang khiến người dân huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi vật vã vì nhiều cánh đồng hành sắp đến kỳ thu hoạch nhưng thiếu nước nên sản lượng rất thấp, 100 ha đất đang để không vì nông dân không dám xuống giống. Trước đó, bà con nông dân đầu tư hàng chục triệu đồng nạo vét giếng cũ, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ các khu dân cư ra đồng. Tuy nhiên, nỗ lực này không có kết quả vì 2/3 giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo đã cạn kiệt hoặc nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải đi xa hàng cây số để lấy nước ở giếng Xó La (xã An Vĩnh), còn nước ăn uống thì mua từ 6.000 – 8.000 đồng/can nhựa loại 30 lít. Bà Phạm Thị Hương, phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí chống hạn để nạo vét toàn bộ giếng nước trên đảo, đồng thời khuyến cáo người dân dời lịch xuống giống để chờ mưa. Ph.Văn |
Theo Người Lao Động