Tọa đàm "Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về phản ứng của chính quyền trước tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam: Kết quả khảo sát qua điện thoại Vòng 2, năm 2021" đã diễn ra trực tuyến sáng ngày 7/12 tại Hà Nội.
Khảo sát do Viện nghiên cứu phát triển Mekong và UNDP Việt Nam thực hiện, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Được tiến hành qua điện thoại trong giai đoạn từ 17/9 đến 15/10, khảo sát nhận được ý kiến của 1.501 người từ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của khảo sát là đối tượng tham gia chỉ bao gồm những có hộ khẩu thường trú, không bao gồm người di cư, người đăng ký tạm trú.
Tác động của Covid-19 năm 2021 nặng nề hơn
Phát biểu tại Toạ đàm, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, đánh giá cao kinh nghiệm và thành công trong ngăn chặn đại dịch của Việt Nam trong năm 2020. Điều này đã “cung cấp những hiểu biết và bài học mới về cách thức các chính phủ giải quyết các thách thức phức tạp và bất ngờ như những thách thức mà đại dịch toàn cầu mang lại”.
“Thành công của Việt Nam cũng đến từ những nỗ lực to lớn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời đảm bảo cải thiện từng bước hiệu quả quản trị và hành chính công trong một thập kỷ trước khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020”, bà Wiesen nhấn mạnh. “Tuy nhiên, khi biến thể Delta gia tăng ở Việt Nam, kể từ tháng 5/2021, làn sóng Covid-19 thứ tư đã đặt ra những thách thức đáng kể với sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế và phúc lợi của người dân Việt Nam”.
So với năm 2020, tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 được đánh giá là nặng nề hơn, kết quả cuộc khảo sát cho thấy.
Phần lớn người trả lời cảm thấy "lo lắng" hoặc "rất lo lắng" về việc học tập của con cháu (76%) và tình hình sức khỏe bản thân (68%).
Về tác động của Covid-19 lên việc làm và thu nhập, 77% số người được hỏi cho biết, họ đã bị giảm thu nhập. Tỉ lệ này đã tăng đáng kể so với tỉ lệ năm 2020 (65%).
“Gần 50% người được hỏi trả lời rằng họ bị mất từ 51% thu nhập trở lên, và cứ 5 người thì có 1 người bị mất toàn bộ thu nhập”, bà Wiesen cho biết. “Đây là một con số quá lớn”.
Trong năm 2021, tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động không có tay nghề, người tự làm phi nông nghiệp, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và người sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, Khảo sát cho biết.
Để ứng phó với tình trạng thu nhập bị sụt giảm, người dân phải thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm chi tiêu, ví dụ như giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, sử dụng tiền tiết kiệm, vay mượn tiền từ người thân hay bạn bè, cũng như trồng trọt, chăn nuôi thêm, theo Khảo sát.
“Tuy nhiên, bất chấp khó khăn như vậy, vẫn có đến 83% số người được hỏi đồng ý với nhận định rằng ưu tiên cao nhất của Chính phủ là cứu càng nhiều sinh mạng khỏi Covid-19 càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại hơn và phục hồi chậm”, bà Wiesen nhấn mạnh.
Theo bà, một trong những phát hiện quan trọng của Khảo sát là các phản ứng của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 với làn sóng lần thứ tư vẫn được hầu hết những người trả lời khảo sát đánh giá cao. Mặc dù họ bày tỏ ít lạc quan hơn so với năm 2020, nhưng tựu chung lại, họ vẫn thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ đối với các chính sách và các biện pháp ứng phó của Chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch.
Một điểm đặc biệt khiến bà Wiesen ấn tượng là tất cả người tham gia khảo sát đều ủng hộ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
“Thực sự điều này thật phi thường khi mà chúng ta so sánh với nhiều quốc gia khác”, bà nhận định.
Khả năng tiếp cận gói hỗ trợ còn thấp
Khảo sát cũng chỉ ra các kết quả quan trọng liên quan đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Chỉ 70% số người được hỏi nói rằng họ có biết hoặc nghe tới gói hỗ trợ này, và 13% cho biết là họ đã được nhận hỗ trợ từ nguồn này. Trong khi đó, 87% số người tham gia cuộc khảo sát năm ngoái nói rằng họ biết về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ trong năm 2020, và số người cho biết đã nhận được hỗ trợ là 21%.
Như vậy, tỉ lệ người trả lời nhận được tiền hỗ trợ năm 2021 còn thấp; mức độ tiếp cận với gói hỗ trợ của người nghèo thấp hơn những người giàu có hơn; thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế, gồm người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại, Khảo sát cho biết.
Ngoài ra, một điều nữa rất quan trọng là nhiều người được hỏi cho rằng thủ tục tiếp nhận hỗ trợ là chưa đơn giản. Tuy nhiên, những người đã nhận được hỗ trợ thì cho biết họ nhận được tiền hỗ trợ đúng thời hạn và giống như thông tin họ tiếp cận được.
Đáng chú ý, trong giai đoạn khó khăn này, Khảo sát cho biết, gói hỗ trợ của Chính phủ không phải là nguồn cứu trợ duy nhất. Hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các quỹ từ thiện cũng như các khoản đóng góp cá nhân là rất đáng kể đối với những người không được tiếp cận với gói hỗ trợ chính thức của Chính phủ.
Khảo sát cũng cho thấy, dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được vận dụng trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, và nhiều người phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 mới được nhập viện khám, chữa bệnh.
Về kỳ vọng của người dân, Khảo sát phát hiện ra rằng, đa số người trả lời ủng hộ việc áp dụng giãn cách xã hội cục bộ tại các khu dân cư nơi có dịch; hơn một nửa số người trả lời, đặc biệt là những người thuộc nhóm trẻ tuổi hơn, thể hiện sự ủng hộ tương đối cao với việc cho phép người lao động trở về quê khi dịch bùng phát.
Chính tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và quyết tâm của người dân Việt Nam trong phòng chống và kiềm chế sự lây lan của Covid-19 đã gây ấn tượng với bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, bà Russell cho biết, Australia cam kết sẽ tiếp tục sát cánh với Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy trong đại dịch cũng như trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, phía Australia đang phối hợp với phía Việt Nam nhằm đảm bảo đưa vắc-xin tới những vùng xa xôi nhất trên đất nước. Ngoài ra, Australia đã cam kết chia sẻ khoảng 7,8 triệu liều vắc-xin Covid-19 với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong bảo quản vắc-xin và đào tạo nhân viên y tế.
“Chúng tôi tin vắc-xin là con đường để người dân có được cơ hội tận hưởng những dịp như Tết với sự kết nối với bạn bè và gia đình trong bối cảnh bình thường hơn”, bà Russell cho biết.
Niềm tin của người dân là đáng quý
Tham dự tọa đàm theo hình thức trực tuyến, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp độc lập, đánh giá cao các phát hiện của Khảo sát, đồng thời cho biết các phát hiện cũng phù hợp với thực tiễn mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.
“Trong số những điều báo cáo nêu, tôi thực sự rất ấn tượng với những con số về niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với chủ trương và chính sách của Nhà nước cũng như chính quyền các địa phương đã đưa ra trong giai đoạn Covid-19 vừa qua”, bà Lan cho biết.
Theo bà, mặc dù tác động của Covid-19 cũng như các biện pháp hạn chế được áp dụng trong thời gian được cho là hơi quá dài và diện giãn cách quá rộng... đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, nhưng tỉ lệ người dân ủng hộ chính quyền vẫn ở mức cao.
“Trong điều kiện khó khăn như vậy mà có được tỉ lệ đánh giá cao, hơn 80% vẫn tin tưởng, ủng hộ những giải pháp của chính quyền, thì đây là điều rất quý”, bà Lan nhận định. Do đó, “chính quyền cần cố gắng tập trung cao hơn nữa vào việc cải thiện năng lực thực hiện của mình để củng cố tiếp niềm tin đó của người dân”, bà nhận định.
Bên cạnh các phát hiện quan trọng, Khảo sát cũng đưa ra một số khuyến nghị, trong đó khẳng định sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền. Do đó, cảm nhận và sự ủng hộ của người dân cần được các cấp chính quyền xem xét kỹ lưỡng khi thiết kế các chính sách, biện pháp ứng phó trong thời gian tới.
“Năm 2022 đang đến với những thách thức không thể lường trước được ở phía trước vì đại dịch vẫn đang hoành hành và bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Tác động của các biến thể mới, trong đó có biến thể Omicron cũng như là nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới nữa vẫn chực chờ”, bà Wiesen nhận định.
Đồng thời, bà tin tưởng rằng, với việc cung cấp vắc-xin Covid-19 nhanh chóng và ấn tượng ở Việt Nam trong những tháng gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân và phản ứng nhanh nhẹn của Chính phủ, Việt Nam sẽ vượt qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch và sớm phục hồi.