Xung quanh vụ việc trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) cho biết: “Quy định pháp luật đã rõ ràng, thế nhưng tổ chức thực hiện như thế nào mới là vấn đề. Mỗi khâu đều làm tròn vai trò của mình thì quy trình giám sát giết mổ sẽ trơn tru”.
PV: Hơn 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) khiến dư luận phẫn nộ. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo tôi, việc tiêm thuốc an thần vào heo hay vật nuôi trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật. Xét về pháp luật, pháp lý và đạo lý đều không thể chấp nhận được.
PV: Được biết, cán bộ thú y có nhiệm vụ giám sát 24/24 lò mổ nhưng vẫn để hàng nghìn con heo bị tiêm chất cấm. Ông nghĩ gì về trách nhiệm của những cán bộ này?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Khâu giám sát là quan trọng nhất. Theo quy trình kiểm soát giết mổ, các cán bộ kiểm soát, nhất là cán bộ thú y phải giám sát từ chuồng trại đến kiểm dịch.
Trong quá trình vận chuyển hay lúc tập trung heo để giết mổ đều có thể xảy ra tiêm thuốc. Vì thế, chúng ta sẽ phải kiểm tra mẫu bằng cách lấy một mẫu thịt, một mẫu nội tạng từ các lò mổ. Nếu sản phẩm có tồn dư chất cấm thì ta sẽ truy xuất lại xem nó bắt nguồn từ khâu nào, sai phạm ở đâu ta xử lý ở khâu đó. Nếu cơ quan thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ, làm “tròn vai” thì quy trình giám sát lò mổ sẽ trơn tru.
PV: Nói như vậy, cán bộ thú y đã tự “bịt mắt” khi giám sát lò mổ, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Trách nhiệm của họ đang được sở NN&PTNT xem xét và làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
PV: Ngành chức năng xử phạt 13 thương lái (chủ số heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ) 30-35 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt chỉ bằng giá trị vài con heo, chẳng có tác dụng gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Luật pháp đang quy định như vậy và chúng ta phải xử lý theo pháp luật. TP.HCM cũng đã có biện pháp mạnh là tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần, như vậy đã ảnh hưởng lớn về mặt thương hiệu cũng như kinh tế của thương lái, lò mổ.
Từ vụ việc này, chúng ta cũng phải kiến nghị sửa các luật về xử lý vi phạm hành chính, nâng mức phạt bằng tiền lên. Có thể không phải phạt theo hành vi vi phạm mà còn phạt theo quy mô vi phạm để tăng sự răn đe.
Theo quan điểm của tôi, người chăn nuôi, thương lái và người giết mổ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về chuyện tự kiểm soát. Việc đeo vòng truy xuất cho heo, tiến hành theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến thu mua, giết mổ và bán ra thị trường phải được làm bài bản. Trong chuỗi liên kết đó, vai trò của những người tham gia vào quá trình này là phải tự kiểm soát lẫn nhau. Nhà nước chỉ phát hiện và kiểm tra, thanh tra, xử lý như vụ vi phạm tại lò mổ Xuyên Á vừa rồi.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Lan
Các chuyên gia y tế cho rằng, Prozil là tên biệt dược của Acepromazine từng là một dược chất được dùng làm thuốc cho người. Vào những năm 1950 nó được dùng làm thuốc chống loạn thần, trị bệnh tâm thần phân liệt nhưng sau đó không được dùng chữa bệnh cho người nữa.
Thuốc Acepromazine được dùng trong lĩnh vực thú y nhằm khống chế trường hợp động vật hung hăng trở nên dễ thuần hóa hơn. Việc người chăn nuôi dùng thuốc an thần tiêm cho lợn trước khi giết mổ là việc làm hết sức nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng khi ăn phải, bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại.