Cạo trọc đầu để đánh thắng giặc
Dù ở cái tuổi 88, trung tướng Lê Nam Phong vẫn còn minh mẫn và tráng kiện. Kí ức về một thời máu lửa vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông. Nói về những tháng ngày cùng đồng đội chịu cam cộng khổ ngoài chiến trận, trung tướng Lê Nam Phong bày tỏ: "Tôi không thể nào quên được những năm tháng đó. Cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, tận mắt chứng kiến đồng đội, đồng chí của mình nằm xuống trong những trận đánh ác liệt, giờ đây nhớ lại vẫn thấy đau. Tôi là một trong những người may mắn còn sống, được lành lặn, được chứng kiến ngày đất nước hòa bình thì tôi phải có nghĩa vụ kể lại cho con cháu biết về những tháng ngày gian khổ, oanh liệt của cha ông mình".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng trung tướng Lê Nam Phong tại trường sĩ quan Lục quân 2.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM), anh bộ đội cụ Hồ năm nào hào hứng kể về một thời nhiệt huyết và những trận đánh. Là một vị tướng có nhiều biệt danh từ Nam Lửa, Nam Bình Toong, Nam Hỏa Lực hay Bố Nam. Các biệt danh đều là dấu ấn con người của ông trong từng chiến trận. Nhưng có lẽ biệt danh đại đội trưởng đầu trọc đã làm cho ông ấn tượng hơn cả. Nói về điều này, trung tướng Lê Nam Phong bật mí: "Sau khi đại đội đánh xong đồi Độc Lập, tôi nhận được nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực. Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã cho quân đào chiến hào, công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo không kịp khô anh em đã phải mặc vào. Khó chịu nhất là đầu lúc nào cũng bùn đất bám vào tóc nên anh em hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả đội làm theo mình. Cũng từ đó cả đơn vị tôi có biệt danh riêng "đại đội trọc đầu".
Đến tháng 4/1954, trời mưa to làm cuốn đi tất cả đồ đạc và cả bộc phá trôi nổi khắp nơi. Đúng lúc đó, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy bộc phá trôi nổi trong chiến hào nên đã gọi Lê Nam Phong lên vì anh là đại đội trưởng. Nhớ lại quá khứ, trung tướng Lê Nam Phong kể: "Nhìn thấy tôi, đại tướng Võ Nguyên bèn hỏi tại sao tôi lại cạo đầu trọc?. Hồi đó, tôi còn trẻ tuổi nên suy nghĩ còn nông cạn, đầu nghĩ gì miệng nói thế đấy nên trả lời Tổng tư lệnh "một câu xanh rờn": "Cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược". Từ đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi tôi là "đại đội trưởng đầu trọc". Và biệt danh ấy đã theo trung tướng Lê Nam Phong đến tận bây giờ, dẫu rằng chiến tranh đã lùi xa.
Sau hàng chục ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, "đại đội trưởng đầu trọc" cùng đồng đội chiếm được đồi Độc Lập, đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Với chiến thắng này, quân Pháp phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Trung tướng Lê Nam Phong cho biết thêm: Ngày giải phóng Điện Biên đơn vị của ông chỉ cách hàng rào thực dân Pháp khoảng 300m để cùng với sư đoàn 312 cắm cờ trên nóc hầm De Castries. Và đó cũng là khoảnh khắc vui mừng nhất của trung tướng Lê Nam Phong vì kể từ ngày tham gia quân đội đây là lần đầu ông được vào từ đầu đến cuối một chiến dịch lớn như vậy.
Trung tướng Lê Nam Phong (bên trái) và nguyên hiệu trưởng trường sĩ quan Lục quân 2 Nguyễn Đức Xê.
Đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập
Trung tướng Lê Nam Phong sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ bé, tận mắt chứng kiến cảnh người dân lầm than bị bọn thực dân trà đạp, áp bức, nên Lê Nam Phong sớm giác ngộ Cách mạng. Kháng chiến bùng nổ, như nhiều thanh, thiếu niên yêu nước khác, Lê Nam Phong đã tham gia vào lực lượng Vệ quốc đoàn và sau đó gia nhập Đại đoàn quân Tiên phong. Từ năm 1945-1954, Lê Nam Phong đã có mặt trong tất cả các trận đánh lớn như chiến dịch Biên giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ...Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Nam Phong mới 27 tuổi và đã là một đại đội trưởng được phân công cùng một đại đội khác làm nhiệm vụ mở đường, dọn chỗ để cho lực lượng cách mạng tiến sâu vào bên trong trận địa.
Trận đánh mở màn đầu tiên của Lê Nam Phong là đồi Độc Lập, một cứ điểm quan trọng của thực dân Pháp. Chiến thắng cứ điểm đồi Độc Lập với sự đóng góp của "đại đội đầu trọc" do ông chỉ huy đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ Lê Nam Phong từ Tây Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Tuy nhiên, do chiến trường miền Nam đang ác liệt, năm 1964, "đại đội trưởng đầu trọc" lại lên đường vào Nam. Với tinh thần chiến đấu quả ảm và tài trí mưu lược ông trở thành trung đoàn trưởng trung đoàn 3 thuộc sư 9 và tham gia những trận đánh ác liệt như Bàu Bàng, Bàu Trang Nhà Đỏ...
Nhưng có lẽ đối với trung tướng Lê Nam Phong, chiến dịch Nguyễn Huệ làm ông nhớ hơn cả. Đơn vị ông chỉ huy đã lập nên "bức tường thép" Tầu Ô - Xóm ruộng, khiến Mỹ - ngụy phải khiếp sợ. Trung tướng Lê Nam Phong dí dỏm nói dường như ông sinh ra để tham gia những trận đánh lớn. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Lê Nam Phong trở thành Tư lệnh sư đoàn 7 (thuộc quân đoàn 4) đầy tài ba và dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Ông trực tiếp chỉ huy đánh chiếm giải phóng thị xã Xuân Lộc (nay là thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), phá tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc mở cửa cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, nơi đế quốc Mỹ xác định: "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".
Trung tướng Lê Nam Phong lần mở lại hồi ức chia sẻ: "Trong suốt 13 ngày đêm ròng rã, tất cả lực lượng của ta đánh vào nội đô tuyến Xuân Lộc, tiêu diệt hoàn toàn quân địch, mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Trên đà chiến thắng, đơn vị của ông đã tiến về hướng Sài Gòn giải phóng Biên Hòa. 12h trưa ngày 30/4/1975, đơn vị của tôi đã có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc này, cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp trong dinh Độc lập. Đơn vị của tôi đã vinh dự được cắm một lá cờ chiến thắng".
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng cảm giác đất nước thống nhất trong cảm nhận của vị trung tướng này vẫn còn nguyên, ông nói: "Khi vừa đặt chân đến dinh Độc Lập thấy cánh cổng bị phá sập, tôi chỉ muốn hét thật to cho thỏa lòng bao năm chờ đợi. Bao nhiêu năm tôi và đồng đội chiến đấu gian khổ chỉ mong có ngày ấy, nhưng tôi chỉ biết đứng lặng nhìn mọi người đang hân hoan vui mừng mà nước mắt cứ trào ra. Và cảm giác vui sướng của tôi giống y hệt như cái ngày tôi đứng trước đồi Độc Lập khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tôi đã đi từ đồi Độc lập đến dinh Độc Lập, cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà đất nước đã giao phó là giành lại độc lập cho Tổ quốc".
Tuổi cao trí càng cao Sau ngày đất nước thống nhất, trung tướng Lê Nam Phong được sum họp với gia đình nhưng công việc cứ cuốn ông đi khiến ông không đủ thời gian dành trọn cho vợ con. Cho tới nay, tuy đã bước vào cái tuổi 88, nhưng ông luôn bận rộn với công việc. Ông vẫn đang đảm trách tới 12 chức trưởng ban liên lạc để làm cầu nối yêu thương với đồng đội. Ông được bạn bè, đồng đội ví như cánh chim không mỏi bay đi suốt khiến vợ con vẫn phải chờ đợi. Bà Võ Thị Hồng Mai (vợ trung tướng Lê Nam Phong) tâm sự: "Gần 60 năm làm vợ chồng nhưng thời gian sống gần nhau chẳng được bao nhiêu. Ông ấy vì việc nước, việc dân thì mình phải thông cảm, biết làm sao bây giờ, ai bảo làm vợ của lính thì đành chịu thôi". |
Quyên Triệu - Hương Lam