Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (HSX: OGC) vừa có thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần hai năm 2017, dự kiến tổ chức vào ngày 23/5/2017.
Trước đó gần một tháng, ngày 28/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 đã không thể diễn ra như dự kiến bởi chỉ có 38 cổ đông tham dự, đại diện cho 6,03 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng 2% vốn điều lệ của OGC, thua xa tỷ lệ 65% quy định trong Điều lệ Công ty.
Diễn biến này cho thấy tình trạng rối ren ở tập đoàn đình đám một thời.
Ocean Group được ông Hà Văn Thắm cùng anh trai là ông Hà Trọng Nam thành lập vào tháng 5/2007 với các ngành nghề mũi nhọn là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và kinh doanh khách sạn.
Tập đoàn này nhanh chóng có những bước phát triển vượt bậc vào các năm sau đó, mà trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam ít có doanh nghiệp nào sánh kịp.
Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, tổng tài sản hợp nhất của Ocean Group tới cuối năm 2013 đạt 11.424 tỷ đồng, gấp…7.000 lần thời điểm cuối năm 2007. Vốn điều lệ liên tục được tăng từ 1,2 tỷ đồng năm 2007 lên 390 tỷ đồng năm 2008, 1.968 tỷ đồng năm 2009, tiếp tục được bổ sung lên 2.500 tỷ đồng năm 2010 và cán mốc 3.000 tỷ đồng một năm sau đó.
Trong giai đoạn này, Ocean Group bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng thành lập các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, kinh doanh khách sạn hay bán lẻ với chuỗi siêu thị/trung tâm thương mại Ocean Mart. Ngoài ra, Ocean Group còn bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng sở hữu 20% vốn cổ phần trong Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).
Tháng 4/2010, OGC được niêm yết trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh với mức giá khởi điểm lên tới 30.000 đồng. Mã cổ phiếu này sau đó nhanh chóng trở thành một blue-chip va được săn đón bởi các nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc phát triển quá nóng trong khi năng lực quản trị, điều hành không đáp ứng được, cùng các nguyên nhân khách quan đã sớm đẩy Ocean Group cùng ông Hà Văn Thắm vào bước đường khó khăn.
Trong quá trình hoạt động từ thời điểm thành lập tới năm 2014, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Ocean Group chưa bao giờ ở trạng thái dương, cá biệt năm 2010 âm 688 tỷ đồng, năm 2013 âm 732 tỷ đồng hay kỷ lục là năm 2014 âm 1.546 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa rằng Ocean Group ghi nhận doanh thu, song thực chất không thu được tiền về. Để có nguồn tiền hoạt động, tập đoàn này tất yếu phải phụ thuộc đòn bẩy tài chính. Số dư vay nợ ngân hàng tính tới cuối năm 2014 đã vượt mức 3.600 tỷ đồng.
Năm 2014, những yếu kém trong quản lý của nguyên Chủ tịch HĐQT ông Hà Văn Thắm cùng đội ngũ lãnh đạo của Ocean Group đã tạo nên một cuộc khủng hoảng của tập đoàn này.
Sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt và khởi tổ bởi sai phạm trong quá trình quản lý Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) không chỉ khiến vị lãnh đạo cao nhất của Ocean Group vướng vào vòng lao lý, mà còn khiến doanh nghiệp này mất trắng hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào Ocean Bank sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Ocean Bank với giá “0 đồng”.
Ngoài ra, Ocean Group trong năm này cũng đã phải trích lập tới gần 1.200 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng 100 lần so với năm 2013.
Những diễn biến dồn dập này khiến Ocean Group lỗ tới 2.548 tỷ đồng trong năm 2014, đánh “quỵ” tập đoàn này.
Đáng chú ý, trong số nợ xấu khổng lồ của OGC, có khoản tạm ứng 628 tỷ đồng (gốc 500 tỷ đồng và 128 tỷ đồng tiền lãi) cho ông Hà Trọng Nam – anh trai ông Hà Văn Thắm để ông này thực hiện mua lại cổ phần chi phối trong CTCP Tràng Tiền – đơn vị được cho là đang sở hữu 1.500 m2 đất vàng nằm cạnh Hồ Gươm.
Khoản tiền này đã được ứng cho ông Nam từ năm 2010 theo hợp đồng chuyển nhượng 634.700 cổ phần của CTCP Tràng Tiền giữa Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại dương (HNX: OCH, một công ty con của Ocean Group) và 3 cá nhân (đều có liên quan tới Tập đoàn Đại dương là các ông Hà Văn Thắm, ông Hà Trọng Nam và bà Nguyễn Thị Lan Hương).
Ngày 5/6/2015, Công ty OCH đã thống nhất dừng chuyển nhượng số cổ phần này, và ông Hà Trọng Nam có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ gốc và lãi tối đa trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên theo BCTC kiểm toán năm 2016, ông Nam – hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty OCH – vẫn chưa trả một đồng nào trong khoản nợ nói trên. OCH đã phải trích lập 100% khoản tạm ứng với vị Chủ tịch HĐQT của mình.
Ai đang sở hữu đất vàng Kem Tràng Tiền?
Lưu ý rằng trong danh sách công ty con của OCH đã từng xuất hiện cái tên Công ty CP Kem Tràng Tiền, với tỷ lệ sở hữu 78,4%. Tuy nhiên có thể đây không phải là pháp nhân sở hữu lô đất vàng cạnh Hồ Gươm. Như đã phân tích, OCH chi khoản tạm ứng 500 tỷ đồng cho ông Hà Trọng Nam mua lại 634.700 cổ phần của CTCP Tràng Tiền từ một nhóm cổ đông có liên quan. Như vậy nhiều khả năng, CTCP Tràng Tiền mới là chủ sở hữu thực của lô đất rộng 1.500 m2.
Việc HĐQT OCH năm 2015 thống nhất dừng nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Tràng Tiền có nghĩa rằng OCH, hay rộng hơn là Ocean Group, chưa bao giờ sở hữu mảnh đất vàng trên phố Tràng Tiền. Câu hỏi đặt ra là ai đang sở hữu lô đất này. Tập đoàn Hoàng Phát Vissai từng gây ồn ào khi thêm 35 Tràng Tiền vào danh mục dự án được giới thiệu trên website của mình. Tuy nhiên thông tin này sau đó nhanh chóng được gỡ xuống.
Một giả thiết khác được đưa ra là CTCP Tràng Tiền vẫn thuộc sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới anh em ông Hà Văn Thắm. Giả định này không phải không có cơ sở. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi lần thứ chín ngày 11/9/2015, CTCP Tràng Tiền có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Phi Hoàng, số chứng minh nhân dân 012563103.
Ông Nguyễn Phi Hoàng, quê quán Thạch Kim, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã từng từng là phó giám đốc CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (HNX: PVR). Trong quá khứ, Ocean Bank cũng như Ocean Group dưới thời ông Hà Văn Thắm đã từng là cổ đông lớn của PVR.
Ở một diễn biến liên quan, Ocean Group cách đây chừng 10 ngày đã dứt khoán “đoạn tình” với PVR khi thông báo thoái toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần, tương đương 9,7% vốn điều lệ đang nắm giữ tại doanh nghiệp họ dầu khí này.
Nghi Điền