Đại gia cây cảnh thở ngắn than dài thời khủng hoảng

Đại gia cây cảnh thở ngắn than dài thời khủng hoảng

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Cách đây một vài năm, thị trường cây cảnh trên cả nước đều sôi động. Thông tin về những cây cảnh tiền tỷ xuất hiện đều đặn trên các mặt báo. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường đi xuống nên đến nay không ít "đại gia" cây cảnh "méo mặt".

Vườn cảnh tiền tỉ để... ngắm

Làng Vỵ Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Điền, tỉnh Nam Định) là làng nghề làm cây cảnh cổ nhất Việt Nam, quy tụ nhiều "nghệ sỹ bonsai" nhất cả nước. Theo sự giấy thiệu, chúng tôi tìm đến nhà an Nguyễn Xuân Đức là một trong ba nghệ nhân đã tham gia tạo hình ảnh Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) bằng cây cảnh có chiều cao 8 mét, chiều rộng là 6 mét nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua.

"Mục sở thị" tác phẩm nghệ thuật từng gây tiếng vang, tôi thật sự "choáng". Bên bàn trà được đặt dưới tán Khuê Văn Các, anh Đức cho biết: "Vườn cây cảnh của tôi có diện tích là 3 sào Bắc Bộ, với đa dạng chủng loại cây, thế. Tuy nhiên phổ biến nhất là những loại cây được thị trường ưa chuộng như sanh, si, lộc vừng... với những thế cây, dáng cây hết sức độc đáo và đẹp mắt. Tôi ước tính, vườn cây trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó, cây đắt nhất có giá lên đến tỷ đồng. Những năm hưng thịnh của nghề cây cảnh tổng thu nhập từ cây cảnh của tôi đạt từ 2 - 3 tỉ đồng/ năm. "Theo anh Đức, nhờ nghề làm cây cảnh mà cuộc sống của người dân trong thôn ngày càng khá hơn, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Cả làng có khoảng 30 gia đình có cây cảnh có giá trị lên đến hàng tỷ đồng mỗi cây.

Sự kiện - Đại gia cây cảnh thở ngắn than dài thời khủng hoảng

Anh Đỗ Văn Tuân bên cây chậu cây cảnh "dáng làng" trị giá 25 tỉ đồng.

Rời nhà anh Đức chúng tôi tìm đến gia đình anh Đỗ Văn Tuân (con của nghệ nhân cây cảnh Đỗ Quốc Hùng). Bước chân vào khu vườn được mệnh danh là vườn quy tụ nhiều "cây cảnh đại gia" nhất làng, tôi như lạc vào một dinh thự với những hàng cây xanh, la hán, tùng... đủ mọi dáng vẻ. Với anh Tuân, là người kinh doanh nhưng có những cây cảnh gia đình anh vô cùng trân trọng và không hề có ý định bán. Đó là cây sanh cổ thụ thế Lão Mai được trồng từ thời cụ nội. Anh là thế hệ thứ 4 chăm sóc cho vật báu này của gia đình. "Đã có nhiều đại gia tìm đến và sẵn sàng chi hàng tỉ đồng để mua nhưng tôi không bán bởi đây không chỉ là kỷ niệm mà còn là minh chứng sống cho một gia đình làm nghề truyền thống cha truyền con nối rất đáng tự hào."

Anh Tuân vui vẻ chỉ tay về phía chậu cây si cảnh khá hoành tránh được đặt trang trọng giữa sân nhà và giới thiệu đó là cây sanh rất đắt tiền. Anh kê,í quá trình có được chậu cây quý hiếm này vô cùng gian nan và phải mất tròn 10 năm mới chinh phục được người bán. Đây vốn là cây sanh cổ truyền có niên đại gần 300 năm. Cách đây 10 năm cụ thân sinh nhà anh phát hiện ra "báu vật" này tại nhà nghỉ Đồng Trâu (Thái Bình). Chậu cây được trồng từ thời Pháp thuộc và được bày ở nhà nghỉ này đã nhiều năm nay. Để mua được nó gia đình anh đã nhiều lần tìm đến nhà nghỉ, gặp lãnh đạo để thương thuyết nhưng không thành.

Còn nhớ hồi chưa rinh được cây về, tháng nào cụ thân sinh ra anh cũng lặn lội sang tận nơi để ngắm nghía và xin phép chăm sóc không công cho "báu vật". Sau này do cảm phục niềm say mê cũng như tâm huyết của người nghệ nhân già, ông chủ nhà nghỉ đã quyết định nhượng lại cho gia đình. "Thời đỉnh điểm, có người từng hỏi mua "báu vật" với giá 25 tỉ đồng nhưng ông cụ không bán" - anh Tuân cho biết. Ngoài ra anh còn bật mí, gia đình thu nhập khoảng 2 tỉ đồng/ năm, toàn bộ khu vườn cây có giá gần 100 tỉ đồng.

Cũng giống như những nhà vườn khác, kể từ cuối năm 2011, thị trường có đột biến đã khiến cho việc tiêu thụ cây cảnh của làng nghề cây cảnh chậm hơn hẳn. Có những cây cảnh thời cao điểm giá được đẩy lên vài chục tỉ đồng nhưng thời điểm này, giá rớt xuống chỉ còn một nửa hoặc 1/3, thậm chí ¼ và rất ít người hỏi mua, các giao dịch thường không được thực hiện. Vì thế, thời gian vừa qua, người dân làng cây cảnh tha hồ tự ngắm cây, ra tiền, mà ... no.

Phải tâm huyết mới giữ được ngh

Người dân trong làng Vị Khê không giữ nghề mà còn chủ động truyền dạy cách làm cây cảnh cho người dân các xã xung quanh. Tuy nhiên, hộ dân ở đây, nhà nào cũng có thâm niên nghề cây cảnh qua nhiều thế hệ. Có lẽ vì thế mà cây cảnh Vị Khê có vẻ đẹp độc đáo riêng. Người chơi với nhiều tâm trạng và hoàn cảnh nên việc chọn "dáng, thế" cũng thật đa dạng. Tận mắt chứng kiến khu vườn cây cảnh, tôi thấy nó chẳng khác gì gian hàng triển lãm. Ở đó mỗi gốc cây, chậu cảnh là những tác phẩm nghệ thuật.

Sự kiện - Đại gia cây cảnh thở ngắn than dài thời khủng hoảng (Hình 2).

Nhiều thế cây độc đáo tại vườn của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân.

Ghé thăm khu vườn ươm cây hàng nghìn m2 của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân, tôi ngỡ ngàng trước hàng trăm thế cây độc đáo được tạo hình chủ yếu từ sanh và si. Vừa giảng giải ý nghĩa của các thế cây, anh Vân vừa tâm sự: "Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với cây cảnh. Cụ thân sinh ra tôi là nghệ nhân có tiếng của làng từng có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật cây cảnh được nhiều người biết đến. Những ngày thơ ấu quanh quẩn bên cha, tôi đã học và được truyền những bí quyết cơ bản từ việc uốn cây, tạo thế".

Bây giờ người chơi cây cảnh ít, họ rất kén chọn, vì thế, người làm cây cảnh cũng tốn tâm sức, vật lực hơn trước. Anh Vân phải vào tận miền Nam đặt hàng và hướng dẫn người trồng ươm như thế nào, từ nhỏ phải uốn ra sao...Anh Vân kể chuyện lần lặn lội lên tận Việt Trì (Phú Thọ) thương thuyết mua chậu cây si hơn trăm năm tuổi, có thế phụ tử rất độc đáo.

Vì muốn được chỉnh sửa lại thế cây theo ý mình, anh liền xin phép cụ chủ nhà cũng là nghệ nhân lâu năm trong nghề được thực hiện luôn tại vườn. Không ngờ ý định này của anh khiến cụ "xót" cây quá "nổi giận lôi đình", trả lại tiền không bán nữa. "Vì thế, khi hỏi mua những thứ cây độc này tuyệt đối không được tự ý cắt tỉa cành lá ngay trước mặt chủ nhân. Nhiều trường hợp, sự vô ý đó khiến chủ nhân nổi giận thì coi như việc mua bán thất bại" - anh Vân vừa cười vừa nói.

Theo anh Đỗ Văn Tuân, thời gian vừa qua, phong trào chơi sanh cảnh nở rộ khiến giá của nó cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó là những lời nói "có cánh" về giá trị của cây sanh cảnh được dân chơi "tán tụng" từ dáng cây, niên đại đã khiến thị trường càng thêm phần sôi động. Thực tế, cây cảnh giảm giá xuống từ 20% - 50%, quay lại đúng giá trị thực của nó là một điều tất yếu...Do đó, những người không có kinh nghiệm, thiếu nhạy bén sẽ dễ bị thiệt khi kinh doanh mặt hàng này.

Tuệ Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.