'Đại gia' chơi nhà cổ tiền tỷ làng Cự Đà

'Đại gia' chơi nhà cổ tiền tỷ làng Cự Đà

Thứ 5, 31/10/2013 15:29

Nhà lầu xe hơi, đó là mơ ước của nhiều người. Vậy mà lão nông Vũ Văn Tuấn (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) khi có trong tay tiền tỷ lại chẳng màng điều đó. Dồn hết số tiền có được, ông chi vào việc xây nhà kiểu cổ. Nhiều người bảo ông gàn khi mà bao người ở đây đã phá nhà cổ để xây nhà cao tầng.

Nhiều năm ấp ủ, chuẩn bị

Khi chúng tôi về làng cổ Cự Đà, nhiều nhà cao tầng sừng sững lấn át các nhà cổ. Được biết vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã phá những ngôi nhà cổ hàng trăm năm để xây nhà cao tầng. Hỏi thăm đến nhà trưởng thôn Vũ Văn Tuấn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ông lại đang có ngôi nhà cổ mới tinh. Thì ra ông vừa mới xây xong ngôi nhà cổ này.

Lạ & Cười - 'Đại gia' chơi nhà cổ tiền tỷ làng Cự Đà

Một góc ngôi nhà ông Tuấn.

Chúng tôi cứ thắc mắc, sao trong khi nhiều nhà chán nhà cổ, họ phá đi xây nhà tầng nhà gác, vậy mà ông lại đi xây nhà ngói thế này? Ông cười hồ hởi: "Thì đấy! Thế người ta mới bảo tôi gàn, tôi dở hơi". Rồi ông kể về ước mơ nhà cổ của mình. Sống trong một làng cổ đặc trưng của miền Bắc, ngay từ ngày còn nhỏ, hình ảnh những ngôi nhà ngói, gỗ thâm trầm đã ăn sâu vào tiềm thức của ông. Rồi khi lớn lên, những năm tháng đi bộ đội xa nhà, nhớ về làng quê là nhớ về những mái ngói, những nếp gỗ chạm khắc nhiều hình kỳ thú mà ngày bé ông vẫn thường ngắm mãi không biết chán.

Khi lập gia đình rồi ra ở riêng, một ngôi nhà năm gian giống của bố mẹ luôn là điều mơ ước của ông. Từ đó, ông luôn miệt mài làm lụng, tích cóp tiền để sẽ làm được ngôi nhà mơ ước. Khi nghỉ chế độ 176 từ năm 1990, ông bắt tay vào làm kinh tế. Ngoài phần ruộng của gia đình, ông nhận thêm ruộng của các gia đình khác. Vì thế, có thể gọi ông là "địa chủ" khi làm tới gần bốn mẫu ruộng. Trong nhà ông nhiều lúc tới 20 tấn thóc. Không những thế, ông còn mở dịch vụ xay xát gạo, nấu rượu và chăn nuôi. Năm 2001, ông mở một trang trại 4.000m2 vừa thả cá, trồng cây ăn quả, nuôi ngan và gà lên tới cả ngàn con. Có năm thuận lợi ông thu tới trên 300 triệu đồng tiền lãi.

Từ khi có dự án khu đô thị mới, diện tích đất canh tác cấy lúa của nhà ông cũng như cả làng giảm gần hết. Có được hơn một tỷ đồng tiền đền bù, lại vẫn còn trang trại, ước mơ của ông dần trở thành hiện thực. Song song với việc chuẩn bị tiền, ông Tuấn luôn tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức văn hóa về nhà cổ. Bởi ông xác định, không chơi thì thôi, đã chơi là phải hiểu biết. Hơn nữa, trong khi ở làng nhiều nhà phá nhà cổ, mình lại đi làm nhà cổ mà không ra hồn thì người ta cười cho.

Thế là từ hơn chục năm nay, cứ có điều kiện là ông lại đi đến những vùng có nhà cổ để tham khảo, đúc rút những cái hay, cái ưu nhược điểm của từng nhà cổ ở từng vùng. Lúc thì ông lên Đường Lâm, Sơn Tây, khi thì sang vùng Thạch Thất, Mĩ Đức. Kể cả những nơi xa xôi như Thổ Hà, Bắc Giang hay Hà Nam ông cũng chẳng ngại mà tìm đến.

Không những thế, ông còn lên các trung tâm bảo tồn, bảo tàng về nhà cổ tham khảo thêm. Rồi ông lại may mắn quen biết được một vài người làm nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu nhà cổ. Qua đó, ông cũng biết thêm và cũng được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của họ. Có người khi sang Nhật Bản nghiên cứu, cũng không quên mang về cho ông những mẫu hoa văn, chạm khắc để ông tham khảo, lựa chọn. Họ cũng sẵn sàng vẽ cho ông những mẫu hoa văn mới, vừa mang nét truyền thống lại vừa hiện đại.

Theo ông tìm hiểu và cũng là kinh nghiệm từ các cụ, làm nhà bằng gỗ xoan hoặc gỗ mít là rất tốt, vừa dân dã, thân thiện, cũng có khi còn có khả năng chữa bệnh. Ông quyết định làm bằng gỗ mít. Nhưng ông biết, để kiếm được những cây mít to không phải dễ, nhất là những cây làm cột chính. Vì vậy, ông đã phải nhờ những người thợ chuyên về gỗ rồi đặt thương lái để họ kiếm cho mình. Có những cây họ phải vào tận miền Nam, sang tận Lào, Campuchia để đặt mua.

Lạ & Cười - 'Đại gia' chơi nhà cổ tiền tỷ làng Cự Đà  (Hình 2).

Ông Tuấn đang kể về quá trình làm nhà.

Thú hoài cổ thành hiện thực

Không muốn khoe của

Hỏi ông về số tiền để làm được ngôi nhà cổ độc đáo này ông chỉ cười. Bởi ông không muốn mình là người khoe của. Tuy còn thiếu bộ hoành phi câu đối, án gian thờ và bộ cửa nhưng nhà ông được rất nhiều người thích. Bây giờ, thay vì bảo ông gàn khi bỏ số tiền có thể xây mấy nhà tầng để xây nhà cổ, thì nhiều người tỏ vẻ thán phục và cũng mong muốn có một ngôi nhà như của ông Tuấn. 

Khi đã có những hiểu biết kĩ càng về nhà cổ, đồng thời cũng phần nào đủ về kinh phí, ông tiến hành xây dựng. Quả đúng như ông nghĩ, khi ông bảo làm nhà theo kiểu cổ, nhiều người bảo ông là hâm, là gàn. Nhưng ông vẫn chẳng hề nao núng. Ông tìm những thợ giỏi và có kinh nghiệm để làm cho mình. Có khi phải đi rất xa để kiếm thợ có tay nghề về làm cho đảm bảo. Ví như riêng thợ lợp ngói, ông phải kiếm thợ từ tận Ứng Hòa, cách vài chục km, tiền công cũng đến 40 triệu đồng. Hay như thợ làm đá đế và chân hàng cửa ra vào, ông phải mời thợ đá từ Ninh Bình ra.

Qua tìm hiểu ông biết, nhà hồi xưa thường làm thấp và nhỏ nên đến bây giờ cảm giác bí và chật hẹp. Ông đã thấy nhiều nơi họ phải nâng nhà cổ lên cao đến cả mét. Để ngôi nhà của mình không bị lỗi thời, vừa theo kiểu cổ lại vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại, ông làm rộng và cao hơn những ngôi nhà cổ rất nhiều. Tất nhiên, khi làm cao và rộng hơn thì sẽ khó khăn trong việc kiếm gỗ và phải có những cải tiến phù hợp. Chẳng hạn như những đoạn chạm khắc hoa văn sẽ phải dài và rộng hơn, đòi hỏi phải có những hoa văn thích hợp để không bị thô.

Với kiểu nhà rộng của ông thì không thể làm theo kiểu đố nụ búp măng như nhà cổ hẹp được. Vì vậy ông làm theo kiểu trồng rường. Tất nhiên, làm theo kiểu này mọi thứ phải to hơn, ví dụ như các hoành, đấu, đố... vì thế mà kiếm gỗ cũng khó hơn. Tính ra chi phí phải tốn thêm gấp rưỡi so với làm đố nụ búp măng. Hay như riêng các cột chính, cột đại, ông đã phải đặt thợ mất 4 năm để họ chuyển từ bên Lào về. Nhìn những cột to sừng sững đến 4 - 5 mét mới thấy phần nào sự khó khăn của ông bởi không phải dễ kiếm được những cây mít cao, to và thẳng như thế.

Để có được những hình chạm khắc ấy, những người thợ đã phải làm rất công phu tỉ mỉ trong hàng tháng trời. Chả thế mà nhà ông làm mất hơn một năm trời mới tạm gọi là xong. Chỉ riêng đôi cột đồng trụ ở sân cũng phải làm mấy tháng và hết hơn một trăm triệu đồng. Ông bảo mình may mắn vì tìm được những người thợ giỏi và nhiệt tình. Hơn nữa lại được sự giúp đỡ của mấy người là nhà nghiên cứu nhà cổ nên có thể nói nhà ông là có một không hai khi có nhiều sự kết hợp rất độc đáo, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. 

Công năng "điều hoà" không khí và những hoa văn chạm khắc Lý, Trần, Nguyễn

Nếu chỉ nhìn ở ngoài thì chưa thể cảm nhận hết được cái đẹp và sự cầu kỳ của ngôi nhà. Trời đang nắng chang chang, dù nhà ông hướng Tây nhưng khi bước vào trong nhà đã cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Nhìn những hình thù chạm trổ rất đẹp mắt và tinh vi, ông chỉ và giảng giải cho chúng tôi từng chi tiết một. Ở gian giữa là hình chạm khắc đôi cúc hóa long mang nét đặc trưng từ thời Lý được khắc cách điệu trông rất bay bổng. Sở dĩ không khắc hình long ly quy phượng bởi theo ông được biết thì chỉ ở đền chùa mới khắc thế. Rồi bức tứ quý: Xuân, hạ, thu, đông, tích văn chương cầu hiền, mây cuốn phong thư, bầu rượu túi thơ... được bố trí rất hài hòa, đẹp mắt quanh ba gian giữa. Nhìn vào đó và nghe ông nói thì mãi không biết chán. Tất cả các hình chạm khắc rồng và hoa văn đều có sự kết hợp từ thời Lý đến Trần, Nguyễn. Tổng cộng có hơn 100 kiểu đục, khắc.

Trần Đức Hiển

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.