Nhiều người quan niệm rằng, dùng hàng hiệu sẽ nâng tầm bản thân trước công chúng, PGS. suy nghĩ gì về điều này?
Đây là một quan điểm sống có phần lệch lạc. Rõ ràng, những người chi tiền để mua sắm hàng hiệu là giới giàu có, nhưng chưa chắc họ đã giàu chính đáng. Vì muốn người khác ngưỡng mộ mình, nhiều người đã trang bị ra bên ngoài bằng các vật phẩm như quần áo, đồ dùng, xe ô tô để tô điểm cho bản thân. Chính xu hướng đề cao hình thức bên ngoài đang khiến cho nhiều người lao vào cuộc đua mua sắm. Tôi muốn gửi đến họ một câu nói, muốn người khác kính trọng mình không thể chỉ dựa vào vẻ bề ngoài.
PGS.TS Lê Quý Đức
Một số người đặt mục đích "ném" tiền qua cửa sổ để người nước ngoài đánh giá người Việt không thua kém bất cứ nước nào. Liệu, mục đích đó có phù hợp với bối cảnh chung của kinh tế nước ta?
Đây là một quan niệm lệch lạc. Bởi đã nghèo mà còn khoe của rõ ràng là không thể chấp nhận được. Cha ông ta có câu "người nghèo còn khoe áo gấm" hay "con nhà lính tính nhà quan" để giáo dục mọi người nên cần kiệm. Trong xã hội chúng ta, có nhiều người rất giàu, việc họ mua sắm một vật dụng có giá lên đến chục tỷ đồng là điều nằm trong khả năng tài chính của họ. Nhưng, chi tiêu vào nhiều loại hàng hoá đắt tiền và cho rằng đó là một cách để giữ hình ảnh của người Việt thì thật sai lầm. Chi tiêu cho riêng cá nhân quên đi cộng đồng xung quanh là ích kỷ. Nước ta còn nghèo, số lượng người nghèo còn nhiều. Sự chi tiêu vào hàng hiệu, hàng xa xỉ như vậy không hài hoà với cộng đồng. Cái gì không hài hoà là hành vi không đẹp.
Ông có thể lý giải xu hướng vung tiền mua sắm thái quá của nhiều đại gia hiện nay?
Nguyên nhân dẫn tới sở thích tiêu dùng một cách thái quá của đại gia là do quá coi trọng hình thức bên ngoài. Nhiều người muốn dùng các vật phẩm đắt tiền để che đậy những gì còn khiếm khuyết trong bản thân. Tôi nghĩ rằng, hiện nay nhiều người đang có quan niệm lệch lạc về nhận thức đâu là cái đẹp dẫn tới hành động lệch lạc, xa rời với thực tế.
Theo PGS. hiện nay nhận thức về cái đẹp của nhiều đại gia đang có vấn đề. Vậy quan niệm đẹp của PGS. được định nghĩa như thế nào?
Tôi cho rằng, cái đẹp ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người, đó là trí tuệ, nhân cách, sự bao dung. Đó mới là điều quý đáng để người ta phấn đấu. Cái gì cũng hàng hiệu chưa chắc đã đẹp. Cái đẹp là sự hài hoà, hài hoà giữa cá nhân với cộng đồng, hài hoà giữa chi tiêu của mình với thực trạng xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Văn Chương - Trinh Phúc (thực hiện)