Bạc bẽo đời thợ lặn
Đứng bên này bến Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) sầm uất, ít ai có thể nghĩ phía bên kia sông vẫn tồn tại một xóm nghèo bám víu theo những con nước sông Hậu mưu sinh. Giữa trăm nghề, họ chọn nghề thợ lặn để "kiếm cơm" và chèo chống nuôi gia đình qua cơn nghèo đói. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với cái nghề phần lớn cuộc đời mò mẫm dưới màu nước đục phù sa. Còn chăng cũng chỉ cái danh đại gia đình ông Nguyễn Văn Dung (Ba Dung), gia đình được biết đến như những thợ lặn siêu Việt của phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Chiếc ghe nơi từng chở hàng trăm xác chết nước được chính đại gia đình ông Ba Dung trục vớt. (Ảnh: Hà Nguyễn)
Những cư dân chân chất của phường cho biết, cái tên Ba Dung nổi tiếng gần xa và gần như gắn với con sông Hậu này. Từ thuở thiếu thời, ông đã khiến dân khắp vùng sông nước kinh ngạc về khả năng bơi, lặn hơn người. Người ta kể, khi còn sống, ông Ba Dung có thể lặn một hơi ngụp xuống sâu đến 30m mà không cần bình hơi. Rồi ông nổi tiếng với khả năng tìm vật bị rơi, trục vớt tàu, ghe chìm... Những năm tháng ăn nên làm ra, ông lặn tìm phế liệu, vớt tàu ghe chìm, chài lưới khắp từ Cần Thơ lên An Giang, xuống Sóc Trăng, Cà Mau.
Sau ngày bạo bệnh, các tuyệt kỹ của nghề thợ lặn vẫn được những người con trong gia đình của người hùng sông nước giữ gìn dù đó không phải là ao ước của ông. Anh Nguyễn Văn Út (36 tuổi, con trai út ông Nguyễn Văn Dung) cho biết: "Lúc còn sống, ba tôi không bao giờ muốn chúng tôi theo nghề này. Ông vẫn dạy rằng: "Đời thợ lặn bạc lắm. Cố lên bờ tìm cái khác mà làm". Thế nhưng không hiểu sao, chúng tôi vẫn vướng vào cái nghiệp ấy. Ông kiên quyết cấm tôi học lặn. Nhưng càng cấm tôi càng mê. Khi ông đi vắng, tôi lén chứa hơi trong bình rồi nhảy ùm xuống nước. Cứ thế, nhà có 4 anh em trai hết hai người theo nghiệp thợ lặn".
Ngoài anh Út được dân thợ lặn biết đến như một chú rái cá không biết sợ độ sâu, đại gia đình thợ lặn này còn có người con cả Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi, con trai đầu ông Ba Dung) cũng theo nghề. Nhiều năm trước, người dân Cần Thơ biết đến anh như một thợ lặn cần mẫn chinh phục mọi độ sâu để kiểm tra độ mài mòn sạt lở của giàn trụ chống bến phà, bảo quản phao tín hiệu... Anh Hoàng tâm sự: "Từ nhỏ tôi đã lẽo đẽo theo cha trên chiếc ghe cũ phiêu bạt trên sông nước mưu sinh. Mặc dù, cha tôi luôn khẳng định rằng nghề thợ lặn rất bạc và nguy hiểm nhưng cơm áo cứ ghì lấy tôi, nhấn tôi xuống nước".
Tháng ngày hụp lặn dưới nước đi cùng biết bao đắng cay nguy hiểm. Theo lời anh Hoàng, ngoài những khi chài cá, lặn mò phế liệu cả gia đình vẫn trông mong vào hợp đồng lặn tìm, trục vớt tàu thuyền chìm. Những hợp đồng như vậy đem đến bát cơm đầy hơn. Nhưng cũng từ nó, đời anh thợ lặn cảm nhận được sự bạc bẽo của nghề. Anh Hoàng kể: "Nghề này nhiều khi đem cả tính mạng ra để kiếm cơm thế nhưng nhiều khi lại chịu sự coi thường, khinh ghét thậm chí chửi bới của người đời". Theo lời anh, việc tìm kiếm dưới lòng sông khó và nguy hiểm gấp trăm ngàn lần trên cạn.
Một trong nhiều kỷ niệm cay đắng như vậy là lần gia đình anh nhận hợp đồng vớt tàu chìm ở Vàm Nao. Anh cho biết, đấy là một chiếc tàu khá to do tai nạn nên chìm sâu dưới màu nước đục. Khi tàu chìm, người vợ của chủ tàu chưa kịp thoát thân và được người trên tàu cho biết là vẫn kẹt trong khoang tàu. Những anh thợ lặn giỏi nhất, bản lĩnh nhất như Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Út được gọi đến. "Nhưng mò cả hai ngày mà tìm không được. Đuối sức nên đành bỏ về công không mà còn bị mắng một trận. Về sau này, những lần như thế xảy ra thường xuyên hơn. Cũng đã có lúc muốn bỏ nghề, nhưng chữ nghĩa ít, bỏ rồi chẳng biết làm gì nên cứ bám víu đáy sông", anh Út kể.
Hai anh em thợ lặn trong căn nhà ọp ẹp với ước mong lên bờ. (Ảnh: Hà Nguyễn).
Những chuyến "đi" rùng rợn
Dựng tóc gáy mò xác người phân huỷ Theo anh, thì việc lặn tìm xác chết là nguy hiểm, đáng sợ và yêu cầu sức khỏe ổn định hơn cả. Mặc dù không chuyên trong lĩnh vực này, nhưng miếng cơm manh áo và được tin tưởng như thợ lặn giỏi bậc nhất nơi đây, nên nhiều người vẫn tìm đến. Trước thì thường thuê vớt xác người tự tử, về sau người ta thuê vớt xác người chết đuối trong các vụ tai nạn sông nước. Vớt xác người mới chết, còn lành lặn thì không có gì đáng sợ. Nhưng trong những vụ mà nạn nhân bị biến dạng, hoặc xác đã phân hủy thì đáng sợ vô cùng. Người thợ lặn dưới sông chủ yếu dùng tay mò. Túm được gì thì lôi cái đó lên. Nhiều khi đang mò mẫm như người mù đi trong tối, vô tình vớ phải bàn tay, bàn chân, tóc người chết mà giật bắn mình. Nhưng rồi cũng trấn tĩnh, lôi lên. |
Đối với những thợ lặn có thâm niên, chưa có nguy hiểm nào dưới lòng sông đục ngầu phù sa mà họ chưa nếm trải. Tuy nhiên, những kỷ niệm rùng rợn trong nghề thì ít ai phải kinh qua như đại gia đình thợ lặn này. Miếng cơm manh áo đã níu kéo gia đình hơn năm mươi năm chài lưới từ lặn mò phế liệu đến những công việc nhiều khi phải trả giá bằng sinh mạng. Một trong những công việc như thế là lặn mò đầu đạn, mìn dưới đáy sông. Anh Văn Hoàng cho biết: "Cách đây vài năm khi còn đủ sức, còn dẻo dai, tôi vẫn lặn tìm phế liệu, trục vớt tàu, ghe chìm thậm chí vớt cả bom mìn, xác người đã rữa. Đó là những lần "đi" rùng rợn nhất".
Rồi anh kể: "Lần đó, mấy anh bộ đội thuê chúng tôi mò đầu đạn, mìn dưới kênh. Trước khi lặn, họ dùng máy rà, rồi khoanh vùng cho xuống vớt. Chúng tôi cũng gắn ống thở, thân trần lặn xuống đáy kênh đen ngòm, tay lần mò từng quả mìn, bốc bỏ vào giỏ. Vì được định vị trước nên việc lần mò cũng không vất vả như tìm vật bị rơi không xác định. Mặc dù được mấy anh bộ đội cho biết là đạn sẽ không nổ nhưng nhiều lúc cũng sợ. Lúc mới mang lên bờ nhiều trái còn bốc khói nghi ngút. Làm liều vậy thôi chứ rủi nó nổ thì tan xác chứ biết đâu mà tránh. Giờ nhớ lại còn nổi da gà".
Tuy nhiên, không phải lúc nào người thợ lặn cũng có thể tìm thấy xác chết một cách dễ dàng. Nhiều khi với những lý do không thể lý giải, họ đã lặn mò, gần như lục tung khắp đáy sông để tìm kiếm mà vẫn vô vọng. Rồi vô tình xác móc vào neo của tàu, nổi lên đúng vị trí vừa mò cách đó vài hôm. Những lúc như vậy, họ không chỉ không nhận được thù lao mà còn gánh chịu cơn giận từ nỗi đau mất người thân của người thuê.
Hơn 50 năm trong nghề thợ lặn, đối đầu với những hiểm nguy của lòng sông đục ngầu, những người con của lão thợ lặn Ba Dung vẫn loay hoay tìm đường lên bờ như người cha trước lúc ra đi căn dặn. Tuy nhiên, đến lúc này, trong căn nhà trống hoác, khát vọng trên vẫn như những cánh lục bình lờ lững trên sóng nước con sông Hậu đục ngầu...
Gia đình không thuộc diện cần hỗ trợ Ông Năm Nhượng, trưởng ấp khu vực 2 (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) cho biết: "Nhiều người cũng thông cảm và chia sẻ về việc gia đình ông Nguyễn Văn Dung khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay, sau khi ông Dung qua đời, con cái ông đều đang trong tuổi lao động và có công ăn việc làm. Tuy thu nhập không ổn định nhưng không thuộc vào diện xóa đói giảm nghèo, gia đình neo đơn, không phương tiện sản xuất, lao động. Theo đó, gia đình ông vẫn không nằm trong diện cần địa phương, chính quyền hỗ trợ". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài