"Đá bóng" trách nhiệm
Như Người Đưa Tin đã phản ánh trước đó, một số công nhân tập trung ở tòa nhà Golden Bay (đường Lê Văn Duyệt, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vào trưa 16/8 để phản đối việc chủ thầu nợ lương công nhân.
Được biết, các công nhân này làm việc cho nhà thầu là công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Sao Tháng Tám (trụ sở Hà Nội), đơn vị đang thi công trung tâm thương mại (TTTM) Hòa Bình Green, bên cạnh khách sạn dát vàng Golden Bay. Cả hai công trình này đều của chủ đầu tư Hòa Bình Group.
Vừa qua, chủ đầu tư đã cho dừng thi công tòa nhà TTTM 15 tầng này. Nhiều công nhân phản ánh là bị nợ lương từ tháng 5/2017 đến nay, với tổng số lương ước tính của nhiều bộ phận cộng lại lên đến hàng tỷ đồng.
Thậm chí, theo phản ánh của một số công nhân, chủ thầu không báo với công nhân là dừng dự án mà chỉ không trả lương, không cho tiền ăn và thậm chí đưa bảo vệ tới đuổi công nhân ra khỏi lán trại.
Cũng theo phản ánh, không chỉ tòa nhà Hòa Bình Green đang xây dở dang mà tòa khách sạn “dát vàng” Golden Bay được bàn giao từ năm ngoái nhưng vẫn nợ đầm đìa tiền lương công nhân.
Vụ việc căng băng rôn đòi tiền lương này chỉ tạm dừng khi lực lượng công an địa phương xuất hiện, mời công nhân về trụ sở để hướng dẫn xử lý vụ việc.
Trao đổi với báo chí, đại diện Hòa Bình Group (chủ đầu tư dự án) cho biết, việc chậm thanh toán lương cho công nhân là trách nhiệm của nhà thầu, cụ thể là công ty Sao Tháng Tám.
Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định đã thanh toán đầy đủ các khoản cho nhà thầu. “Chủ đầu tư không nợ gì Sao Tháng Tám. Chúng tôi đã thanh toán tất cả mọi thứ. Những lùm xùm này là không liên quan đến chúng tôi”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Hòa Bình Group cho biết thêm, việc dừng thi công TTTM là để xem xét thay đổi công năng một số hạng mục.
Còn ông Vũ Anh Phương, Giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Sao Tháng Tám lại cho rằng, việc công nhân bị chậm lương là do chủ đầu tư không thanh toán đầy đủ cho nhà thầu thi công.
Ông Phương cho biết thêm, trách nhiệm trả lương cho công nhân là của nhà thầu. Tuy nhiên do chủ đầu tư không thanh toán tiền đúng tiến độ cho nhà thầu, nên công ty đành bó tay.
Đại gia Đường “bia” là ai?
Công ty TNHH Hòa chính thức thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ là 415 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 202H Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, hiện có 7 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh sản xuất thép, sản xuất bia và nước giải khát, in ấn và sản xuất bao bì, đầu tư bất động sản…
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hoà Bình, người được gọi với cái tên “đại gia Đường bia” vốn là một cựu chiến binh xuất ngũ năm 1979.
Sau khoảng 10 năm đạp xích lô chở bia thuê trong HTX vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội, năm 1987 khi Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, với vốn học mót kinh nghiệm làm bia, ông Đường đã đứng ra lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình. Trên cơ sở đó đến năm 1993, công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.
Sau đó, phát hiện ra nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2002.
Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất của CHLB Đức và sản phẩm malt làm ra không thua kém gì so với malt nhập khẩu.
Cũng bởi không chịu lép vế trước doanh nghiệp ngoại, ông Đường còn bắt tay vào sản xuất nước giải khát (nước có ga và không ga), trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế vốn đang phổ biến tại Việt Nam như Coca-Cola hay Pepsi. Công ty của ông Đường đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt đặt tại Bắc Ninh mang tên V-Cola, công suất hơn 200 triệu lít/năm.
Ngoài làm bia, làm malt, làm nước ngọt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, bắt đầu từ năm 2008. Khi Chính phủ quy định cho vay tới 85% với lãi suất ưu đãi để sản xuất công nghiệp, ông Đường quyết định đầu tư 1.000 tỷ đồng làm nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4m. Đây là nhà máy cán thép khổ lớn đầu tiên do doanh nghiệp nội đầu tư tại Việt Nam. Tháng 7/2013, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và sản phẩm của nhà máy đã chiếm đến khoảng 30 - 40% thị phần trong nước.
Những năm gần đây, Hòa Bình lấn sân sang kinh doanh bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng... Trong đó, phải kể đến trước tiên chính là dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, còn gọi là khách sạn Vịnh Vàng, có bể bơi trên tầng 29 được dát vàng 24K, từng chạy đua tiến độ để kịp phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Trước đó tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Đường cũng từng dát vàng thành lan can căn hộ, chạy chỉ ở sảnh và cửa thang máy, thiết bị kim loại tại dự án Hoà Bình Green City Hà Nội (tại số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Công ty Hòa Bình cũng là chủ đầu tư tòa tháp đôi Hòa Bình (Hòa Bình Somerset) với hai sân bay trên nóc, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2006, dự án Nhà máy Đường Man (tại Bắc Ninh), dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); dự án Hòa Binh Green Apartment (tại dốc 376 đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội).
Tuy nhiên, không ít dự án mang bóng dáng nhà tài phiệt này cũng được biết đến thông qua những lùm xùm, tai tiếng.
Lùm xùm những dự án tai tiếng của đại gia Đường “bia”
Trước khi xảy ra vụ việc công nhân biểu tình đòi nợ lương ở TTTM Hòa Bình Green (Đà Nẵng) hôm 16/8, đại gia Đường “bia” từng dính lùm xùm cách đây hơn một tháng vì nợ sổ đỏ của cư dân Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội).
Ông Nguyễn Hữu Đường sau đó đã phải tổ chức buổi đối thoại với cư dân và giải thích việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho chủ căn hộ dự án Hòa Bình Green City là do sở Tài nguyên và môi trường chưa ra quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, trong khi đó, phía công ty đã nộp đủ số tiền sử dụng đất đúng theo quy định.
Trước đó, hồi tháng 2/2018 cũng chính dự án Hòa Bình Green City từng bị TP.Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm vì những sai phạm trật tự xây dựng. Cụ thể là lỗi xây dựng không phép vào hồi đầu năm 2013, sau đó là chậm nộp thuế sử dụng đất và tự ý xây hai ngôi chùa trên tầng thượng vào cuối năm 2015.
H.Y