Ngay sau khi gây án tàn độc, kẻ phạm tội dùng khổ nhục kế: gào khóc, kêu la, ăn phân, nói nhiều hay im lặng, phóng uế rồi bôi đầy người… để được coi là “điên”. Đối với chúng, được “điên” thực sự là bùa cứu mạng nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, dù thủ đoạn tinh vi đến đâu, khổ nhục kế thế nào, song không thể che được mắt… thầy thuốc.
Thầy thuốc phải làm việc như... công an
Tại Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (GĐPYTTTW) nằm trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín (Hà Nội) có một khu vực đặc biệt chỉ dành riêng cho những “con bệnh tâm thần nặng” đều là những tên tội phạm khét tiếng gây ra những vụ thảm án kinh hoàng. Kẻ ít nhất giết 1 người, kẻ nhiều lên tới 3 - 4 người.
Nơi đây được cách ly bằng những bức tường thép gai nhiều lớp cao tới 2 - 3m. Lực lượng công an trấn giữ vòng ngoài 24/24h cùng với sự theo dõi nghiêm ngặt “nhất cử nhất động” từng hành vi của các con bệnh từ phía đội ngũ nhân viên y tế. Ở Khoa Giám định pháp y tâm thần, có một phòng đặt camera để theo dõi từng hoạt động của các đối tượng suốt 24/24h.
Chỉ vào một đối tượng đang nằm trùm chăn ở căn phòng điều trị số 10, BS. Hoàng Viết Hải - phó trưởng khoa cho biết, đó chính là một kẻ phạm tội tày đình từng gây xôn xao dư luận những ngày đầu năm 2013 - đối tượng Trần Mạnh Hà, 32 tuổi, trú tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), kẻ giết con đẻ mới 10 tháng tuổi một cách man rợ rồi chôn xác dưới khe nhà. Hiện có 11 đối tượng phạm tội đang được các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tâm thần tại đây.
Với mỗi bệnh nhân, Viện phải thành lập hội đồng giám định, quá trình theo dõi, giám định trong vòng từ 4-6 tuần và quy trình giám định theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Và ở đây, những tên tội phạm “giả điên” thực hiện trăm phương ngàn kế khổ nhục nhằm vượt qua sự giám sát của các giám định viên trong viện.
Trường hợp Lê Mạnh L. bị Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) bắt vì có hành vi vận chuyển tới 355 bánh heroin. Lúc mới bị bắt, Lương cãi nhem nhẻm rằng mình chỉ vận chuyển thuê nhưng sau đó, hắn tự dưng bị... tâm thần.
Mỗi khi điều tra viên hoặc kiểm sát viên vào hỏi cung, Lương lại đờ đẫn, hỏi gì cũng không nói, không biết kể cả tên, tuổi mình. Nữ quái Lê Thị Bưởi trong vụ án cùng đồng bọn mua bán gần 200 bánh heroin ở Hà Nội thì cứ cười sằng sặc như điên dại mỗi khi phải trả lời điều tra viên. Cô ta cười hàng giờ đồng hồ, man dại đến độ... ngất đi để không phải trả lời câu gì.
Có trường hợp như tên Đỗ Xuân Hùng (67 tuổi, Quang Trung, Thanh Hóa) là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ra hàng chục vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương, sau khi bị bắt, lập tức Hùng... phát điên và nhận mình có tiền sử tâm thần, là thương binh. Trong quá trình giám định 35 ngày đêm, Hùng liên tục gào khóc, chửi bới, hò hét, kêu la, thậm chí hắn phóng uế rồi bốc chất bẩn bôi đầy nhà, thậm chí không ăn, không ngủ như một kẻ tâm thần thực sự...
Không giấu được tội
BS. Hoàng Viết Hải - Phó Trưởng khoa, cho chúng tôi biết: Thông thường, nếu đối tượng bị tâm thần thật, qua quan sát, có thể thấy họ ở trong phòng sẽ tìm mọi cách chạy trốn tiếng nói sai khiến trong đầu như nút bông vào tai, trùm kín chăn, chui vào gầm giường trốn... Theo BS. Hải, qua theo dõi giám định, đã phát hiện từ 2-5% các đối tượng giả điên, hoặc có biểu hiện bệnh nhưng vẫn đủ mức để chịu trách nhiệm hình sự.
Để chứng minh điều mình nói, anh Hải cho chúng tôi xem 2 kết luận mới nhất đối với 2 bệnh nhân Lê Trọng Tuyến, 23 tuổi và Lê Trọng Tuyền, 24 tuổi, cùng trú tại xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội). Hội đồng giám định của Viện GĐPYTTTW kết luận: trước, trong và sau khi phạm tội, bị can Lê Trọng Tuyền và bị can Lê Trọng Tuyến không có bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Ngay sau đó, 2 đối tượng đã bị trao trả cho Công an huyện Thường Tín tạm giam và xử lý về hành vi cố ý gây thương tích...
Ngay cạnh Khoa Giám định pháp y tâm thần là Khoa Điều trị bắt buộc, từng là nơi mà những kẻ như Nguyễn Văn Vi (tức Vi ngộ) ở Đào Duy Từ, Thanh Hóa được đưa đến điều trị và kết thúc hành trình giả điên khùng để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
“Vi ngộ” là đại ca, cầm đầu băng nhóm hàng chục đối tượng chuyên tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê..., nhưng với bệnh án tâm thần, suốt 5 lần TAND huyện Hà Trung, Thanh Hóa xét xử, Vi đều không có mặt vì đi chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, mặt nạ giả điên của “Vi ngộ” bị lật tẩy bởi chính các giám định viên tại Viện GĐPYTTTW.
Theo TS. Ngô Văn Vinh - viện trưởng Viện GĐPYTTTW: Trong lĩnh vực giám định tâm thần, nếu các bác sĩ theo dõi và giám định không có tâm, bị chi phối bởi đồng tiền, rất có thể sẽ dẫn đến việc tiêu cực trong việc kết luận giám định.
Quá trình theo dõi, giám định phải tuân thủ quy trình giám định theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Yếu tố kỹ thuật như cộng hưởng từ, điện não đồ... chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn quan trọng nhất là việc theo dõi lâm sàng các đối tượng, cộng thêm việc nghiên cứu hồ sơ về đối tượng từ trước đến nay. Theo ông Vinh, phải giáo dục chính trị cho từng cán bộ làm nhiệm vụ này để tránh sai phạm xảy ra có ý nghĩa then chốt trong công tác giám định.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - trưởng văn phòng luật sư Việt Lý cho biết: Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sau đó giả bị bệnh tâm thần để trốn tránh, nếu bị cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh là không bị bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi mình đã gây ra; ngoài ra, tòa án có thể áp dụng tình tiết tăng nặng khi kết án tại Ðiểm 0 Khoản 1 Ðiều 48 BLHS Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội...”. |
Theo Sức khỏe đời sống