Sinh ra ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, Nghệ An, Trần Ngọc Phương là một thanh niên năng động, có tài ăn nói và quyết đoán. Học xong phổ thông, Phương theo bạn sang Lào buôn bán, đánh hàng lâm sản từ biên giới về Diễn Châu rồi mang ra Hà Nội.
Chỉ mới 30 tuổi nhưng Phương là một ông chủ khá thành đạt, có mạng lưới kinh doanh rộng khắp cùng mối quan hệ với các đối tượng phức tạp ngoài xã hội. Cuối những năm 90, Phương mua xe ô tô, thuê người lái và trực tiếp chỉ huy việc mang gỗ ra cho các ông chủ ở Hà Nội. Những lần vận chuyển gỗ như vậy, thương nhân này thường ngụy trang rất kỹ để qua mặt lực lượng chức năng.
Ngày 29/11/2000, Phương ngồi trên cabin xe tải, chở gần 2 mét khối gỗ quý ra Hà Nội. Để qua mặt cơ quan chức năng, Phương yêu cầu tài xế xẻ gỗ thành từng mảnh, vờ làm làm ván lót thùng xe để vận chuyển heo đi bán.
Xe bon bon chạy trên quốc lộ 1A, nửa đêm, xe chạy đến thành phố Thanh Hóa thì gặp đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đang làm việc. Thấy vậy, tài xế vội đánh thức Phương dậy và nói: "Anh ơi, hôm nay có kiểm lâm". Ngồi trên xe quan sát thấy một lực lượng dày đặc gồm kiểm lâm, quân đội và công an đang chặn xe để kiểm tra, P. bảo với tài xế "mặc kệ, cứ chạy đi”.
Nghe lệnh ông chủ, tài xế tăng tốc, lao đi trong đêm. Thấy vậy, lực lượng liên ngành cũng tăng tốc đuổi theo xe tải nghi vấn. Dọc đường đi, chiếc xe của Phương cố tình lạng lách, đánh võng nhằm cắt đuôi đoàn xe phía sau.
Chạy được hơn 20km, biết không thể trốn thoát, Phương dừng xe, trình bày hoàn cảnh và xin xỏ lực lượng liên ngành. Thấy lực lượng liên ngành quyết liệt yêu cầu đưa xe về chi cục kiểm lâm để làm việc, Phương tức tối chửi tục, rồi nhảy lên xe, đẩy tài xế sang một bên, trực tiếp cầm tay lái phóng bỏ chạy.
Khi chạy đến trạm thu phí Tào Xuyên, chiếc xe mô tô của đội liên ngành do binh nhất Vũ Văn Quang chở theo cán bộ kiểm lâm Nguyễn Văn Vậy áp sát và vượt lên chặn đầu xe của Phương. Phương lao thẳng vào xe môtô khiến anh Quang tử vong tại chỗ, anh Vậy bị thương nặng.
Gây tai nạn xong, Phương tiếp tục lao xe vượt qua một loạt chốt chặn của lực lượng cảnh sát, kiểm lâm trên quốc lộ 1A. Trước sự manh động, liều lĩnh của Phương, khi đuổi đến địa phận tỉnh Ninh Bình, lực lượng chức năng quyết định nổ súng, bắn thủng lốp xe. Lúc này, Phương mới chịu dừng lại, nhảy xuống xe, lợi dụng đêm tối, trốn thoát. Vụ án "giết người” và “chống người thi hành công vụ" được cơ quan điều tra hình sự Quân khu 4 khởi tố và điều tra nhưng hung thủ chính là Phương lại bặt vô âm tín.
Lật mặt ông chủ giữa rừng già
Hơn 12 năm sau, vụ án ở Tào Xuyên cũng dần trôi vào quên lãng, không ai biết Phương hiện đang ở đâu, làm gì. Mặc dù vậy, các chiến sĩ cảnh sát truy nã tội phạm Công an Nghệ An vẫn âm thầm bám theo, lần tìm tung tích của tên tội phạm này.
Chân dung "ông chủ gỗ" Trần Ngọc Phương mang tội giết người.
Trước khi phạm tội, Phương đã là một kẻ làm ăn lọc lõi ở Lào. Một nhận định có cơ sở được đưa ra là Phương đang lẩn trốn ở Lào, có thể với một vỏ bọc khác, tên tuổi khác. Sau những chuyến điều tra bên nước bạn, lần mò từng manh mối nhỏ, các trinh sát phát hiện ở vùng rừng núi thuộc Bản Na, huyện UthâmPhon, tỉnh XavaNaKhet có một ông chủ buôn gỗ, nói tiếng Lào và tiếng Việt như nhau, thỉnh thoảng người này còn nói giọng Diễn Châu đặc sệt.
Linh tính nghề nghiệp mách bảo các chiến sĩ rằng ông chủ thành đạt này là kẻ cần tìm. Ban chuyên án được thành lập, Thượng tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm làm trưởng Ban chuyên án; Đại tá Lê Việt Hà, Phó phòng CSTNTP, Đại tá Lê Huy Thông, Trưởng phòng điều tra Quân khu IV và Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó phòng Cảnh sát truy nã được giao nhiệm vụ làm phó Ban chuyên án cùng các trinh sát giỏi, thiện nghệ bí mật sang nước bạn Lào, tìm cách tiếp cận cơ sở sản xuất của Phương.
Với quá khứ phạm tội giết người, Phương luôn tìm cách ẩn mình, ngụy trang kín kẽ và luôn đề phòng bất trắc. Lán trại chế biến gỗ của Phương được dựng giữa rừng già, xung quanh toàn đồi núi với khoảng 100 công nhân người Lào, Việt Nam và Campuchia làm việc. Dù là ông chủ nhưng Phương sống hòa đồng cùng công nhân, ăn ngủ tại lán và thoắt ẩn, thoắt hiện ở các khu vực khai thác nằm cách đó gần 100km. Khi tiếp cận khu vực này, ban chuyên án nhận được thông tin kẻ cần tìm đã lên vùng Bắc Lào.
Không quản ngại khó khăn, tổ công tác quyết tâm lên đường, vào khu vực rừng núi hoang vu nơi tên Phương đang chỉ huy đám đàn em vận chuyển, chế biến gỗ. Trong vai những thương gia Việt Nam qua Lào tìm mua gỗ, các trinh sát đã tiếp cận được với cơ sở chế biến của Phương nhưng để phân biệt được đâu là tên giết người cần tìm là một điều rất khó khăn bởi tất cả mọi người đều nói tiếng Lào, da ngăm đen, cắt tóc giống nhau. Sau khi vào vai những đại gia cần mua gỗ với số lượng lớn, đám đàn em của Phương đưa đến gặp ông chủ. Không chút nghi ngờ, người đàn ông tóc húi cua, da ngăm đen, khá vạm vỡ ra tiếp khách bằng tiếng Việt. Lúc này, một trinh sát hỏi rằng “Sao anh nói tiếng Việt giỏi vậy”. Ông chủ không ngần ngại trả lời “Tôi là người Việt Nam”. Lúc này, các trinh sát đứng bật dậy hô lớn “Trần Ngọc Phương, anh đã bị bắt!”.
Ông chủ xưởng gỗ bỗng tím tái mặt mày, run rẩy tra tay vào còng mà không nói thêm được câu nào. Lúc này, một số đàn em của hắn láo nháo định chống trả nhưng khi nghe lực lượng công an giải thích, những người làm thuê này mới hiểu ra. Họ không thể tin được rằng ông chủ bấy lâu nay mà họ tôn kính lại là một kẻ từng gây tội ác ở Việt Nam.
Theo Hồ Hà (giadinh.net.vn)