Tin tức về việc cây sưa đỏ từng được trả giá 100 tỷ đồng ở chùa làng Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) đang có hiện tượng bị khô khiến người dân lo lắng, PV báo Người Đưa Tin đã vào cuộc tìm hiểu. Mới đây nhất, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) khẳng định, cây sưa có thể được bán nếu người dân đồng thuận cao.
Theo tìm hiểu của PV, thị trường gỗ sưa hiện tại so với năm 2010 (thời điểm cây sưa đỏ trên được trả giá 100 tỷ đồng theo lời người dân địa phương) khá trầm lắng. Một số đại gia gỗ còn cho biết, so với năm 2010 thì giá trị gỗ sưa bây giờ giảm hơn 50%.
Ông Nguyễn Văn Hùy, vị đại gia gỗ Đồng Kỵ vừa trúng đấu giá cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh cho biết, giá gỗ sưa hiện tại không thể bằng thời điểm năm 2010.
“Lúc bấy giờ, giá gỗ sưa cao hơn nhiều, đến bây giờ giá gỗ sưa giảm gần một nửa”, ông Hùy thông tin.
Theo vị đại gia này, gỗ sưa cũng như những loại gỗ khác đều có tuổi thọ nhất định và đến một thời điểm nào đó cây sẽ bị khô mà chết. “Nó cũng có tuổi thọ hết, có thể cây chết là do quá già và chết như vậy thì có nghĩa phần gỗ đã mất nhựa nên màu gỗ sẽ kém dẫn đến giá trị giảm”, ông Hùy chia sẻ.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, vị đại gia gỗ cho rằng, cần phải xem xét thực tế mới có thể có nhận định chính xác. Cũng theo ông Hùy, bản thân ông chưa gặp cây gỗ sưa nào được trả giá 100 tỷ đồng và nếu có thì chưa chắc giá đó đã chính xác. “Đấy, cây sưa tôi mua (cây sưa 200 tuổi ở đình Đông Cốc, Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh - PV) có người bảo trả 49 tỷ đồng nhưng có dám mua đâu”, ông Hùy khẳng định.
Cùng chung nhận định, anh Thịnh (một chủ xưởng gỗ ở Thường Tín, Hà Nội) cho hay: “Gỗ sưa quý nhất là phần lõi, phần vỏ khô ít thì không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nếu để dần dần thì cây sẽ không hút được nước dẫn đến phần lõi gỗ sẽ khô lại làm ảnh hưởng đến màu sắc của gỗ”.
Ngoài ra, chủ xưởng gỗ cũng nhận định, giá gỗ sưa hiện thời so với năm 2010 là rất rẻ, thị trường gỗ sưa cũng không sôi động như nhiều năm trước.
Nhất Nam