Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ ngày 17/10 sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh đối với ô tô tải, xe đầu kéo.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất như phải có đường xe với chiều dài tối thiểu 800m, trang bị dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn... Ngoài ra, đại lý bán xe cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về cơ sở hạ tầng dịch vụ.
Những quy định này khiến nhiều đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ phải đầu tư với số vốn lớn, lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có tiền, hoặc có đầu tư xong thì giá xe đội lên, không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn.
Không chỉ sản xuất, lắp ráp, lĩnh vực nhập khẩu xe ô tô cũng bị siết chặt. Từ 1/1/2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu, đồng thời phải có văn bản xác nhận được thay mặt nhà sản xuất lắp ráp ô tô ở nước ngoài thực hiện triệu hồi xe nhập khẩu tại Việt Nam, chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn từ cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài... Đây là những loại giấy tờ mà các doanh nghiệp nhỏ rất khó lấy được.
Ngoài ra, các đại lý bán xe tải nhập khẩu cũng phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn dịch vụ, bảo hành, bảo dưỡng. Hiện nay hầu hết đại lý bán hàng cho doanh nghiệp nhập khẩu xe tải, xe đầu kéo đều ở quy mô nhỏ, chưa xây dựng được một hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Một trong số cái tên được nhắc đến là công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (MCK: TCH) - đơn vị phân phối độc quyền xe đầu kéo International của tập đoàn Navistar (Mỹ).
Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2017 (1/4/-30/9/2017), tập đoàn có trụ sở tại Hải Phòng này thu về gần 1.000 tỷ đồng doanh thu bán xe đầu kéo Mỹ, gấp đôi cùng kỳ (488 tỷ đồng) với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức khá cao (25,3%).
Tổng tài sản của TCH tới cuối tháng 9/2017 đạt 4.803 tỷ đồng, phần lớn được tạo nên từ vốn chủ sở hữu 4.390 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 3.630 tỷ đồng.