Ứng dụng công nghệ gọi xe mới nhất ở Việt Nam, “be” đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/12 với 2 dịch vụ chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar(dịch vụ đặt xe 4 bánh). Đứng sau tân binh công nghệ là nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Trần Thanh Hải - Cofounder lẫy lừng của VNG.
Ông Hải thể hiện tham vọng có 110.000 tài xế tại Việt Nam đến cuối năm 2019 và sẽ mở rộng thêm cả lĩnh vực giao hàng, thực phẩm, thanh toán điện tử và tài chính số trong tương lai.
Tại lễ ra mắt sáng 13/12, be Group tiết lộ đã nhận được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư để phát triển ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Grab và Go-Jek.
Ông Hải tiết lộ, tất cả nhà đầu tư của be Group đều là nội địa, trong đó ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) là nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ tài chính cho hoạt động của be Group. Ngoài ra, các thông tin chi tiết về số tiền tài trợ và cũng như khả năng triển khai dịch vụ vượt tầm quốc gia đều được giữ kín.
Uber ra đi để lại thị trường 600 triệu người ở Đông Nam Á cho Grab và Go-Jek xâu xé. Chưa kể, Việt Nam với dân số 95 triệu người và 75% sử dụng smartphone, là “mỏ dầu” cho các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe.
Hiện tại, Grab vẫn đang là “kẻ cầm trịch” khi nắm trong tay 175.000 tài xế tại Việt Nam (tính đến tháng 9/2018). Đối thủ của Grab, Go-Jek, tiến vào Việt Nam với cái tên Go-Viet được Reuters đánh giá là phát triển nhanh nhất. Cùng với đó các ứng dụng mới nổi như Vato, FastGo, Aber cũng đang muốn giành lấy một miếng bánh thị phần ở Việt Nam. Sinh sau đẻ muộn như “be” liệu có làm nên điều khác biệt?
Thị trường vừa nhiều cơ hội vừa đầy thách thức
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa nhận định: “Thị trường trong giai đoạn này không còn xanh (ít đối thủ cạnh tranh) mà rất đỏ, có quá nhiều đối thủ... Đây là cuộc chơi không đơn giản, không chỉ doanh nghiệp Việt cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, khu vực mà bản thân các doanh nghiệp ngoại cũng đối đầu nhau như Grab và Go-Jek”.
Chuyên gia này cho rằng bài học từ ứng dụng đặt xe Vato cho thấy, nếu không chuẩn bị đủ nguồn lực: nguồn đầu tư, tài xế..., các app trong nước sẽ rất nhanh đuối sức trong cuộc đua đường trường. Các tập đoàn quốc tế có nguồn lực tài chính rất dồi dào, họ sẵn sàng đổ vào chịu lỗ trong vài năm đầu, cạnh tranh quyết liệt về giá, cho khách hàng đi miễn phí. Đây chính là cuộc chiến về vốn, đo xem khả năng chịu lỗ được tới đâu.
Tại thời điểm xuất phát, “be” khá tự tin nhờ nguồn lực đầu tư ban đầu lên đến vài nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự thân của chính những nhà sáng lập, khả năng tiến vào thị trường sẽ có nhiều cơ hội rộng mở, tương đương những thách thức phải đương đầu.
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc be GROUP, khẳng định sẽ dành cho tài xế sự đối đãi, chế độ bảo hiểm tốt nhất. Tài xế sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng thông qua các kỳ sát hạch, đào tạo cũng như đầu ra dựa trên phản hồi (chấm sao) của khách hàng.
“Be” cho biết sẽ có chính sách khuyến mãi hợp lý cho khách hàng nhưng sẽ không đẩy cuộc chiến về giá sát phạt với các ứng dụng khác.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng, các chuyến đi 0 đồng mà các app đang thi nhau thực hiện sẽ được bù lại bằng cách tăng giá vào giờ cao điểm lên gấp 2 - 3 lần. Phía “be” hiện chưa có chính sách hay lộ trình tăng giá vào giờ cao điểm như các ứng dụng hiện nay, mà sẽ giữ nguyên giá như các khung giờ bình thường.
Một điểm đáng nói khác đó là ứng dụng gọi xe “be” được đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải, khác hẳn với với tất cả các ứng dụng gọi xe trên thị trường hiện nay như Grab, FastGo hay Go-Viet. Tất nhiên, công ty vận tải sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện kinh doanh hơn, tuy nhiên động thái này sẽ giúp "be" tránh những rủi ro pháp lý về sau.
Bá Di (Tổng hợp)