Đại gia “làng”, thủa ấy và... bây giờ

Đại gia “làng”, thủa ấy và... bây giờ

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Đại gia "làng" cũng từng một thời nổi danh khiến “đại gia Hà thành” còn phải “ngả nón” trước độ ăn chơi của “cậu ấm phố ruộng”.

Bùng nổ trong vài năm trở lại đây, những đại gia “đầu trần, chân đất” dần nổi trong giới ăn chơi không kém giới doanh nhân thành đạt. Bỗng giầu lên nhanh chóng và tắt lịm trong giây lát là số phận thường gặp của những gã “trọc phú”... làng.

Pháp luật - Đại gia “làng”, thủa ấy và... bây giờ

“Đại gia làng” một thời tiêu tiền như nước

Thời của “đại gia phố ruộng”

Những năm 2008-2009, khi thị trường bất động sản sôi sùng sục ở các huyện gần trung tâm Hà Nội người ta thấy nhiều nhà giầu lên trông thấy. Những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nay bỗng chốc khoác lên người những bộ cánh đắt tiền, ngồi xe hơi bóng lộn, lân la lên phố với những màn tiêu tiền không tiếc.

Thời điểm đó, trong chuyến công tác đến một xã ngoại thành Hà Nội, tôi còn phải giật mình khi được nghe vị chủ tịch xã khoe về sự đổi đời của dân mình: Sau khi nhận được tiền đền bù đất, người ta nghĩ ngay đến việc xây nhà và mua sắm. Có ngày ở một thôn có tới 20-30 hộ gia đình khởi công xây nhà mới kiểu biệt thự từ 1-1, 5 tỉ đồng/căn. Nhiều căn nhà tầng, mái bằng vẫn còn đẹp, mới xây nhưng khi có tiền đền bù người ta cũng đập đi để xây nhà khác bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”.

“Tiền đền bù nhiều như vậy nên dân địa phương thi nhau tậu về làng hơn 100 xe tay ga (toàn loại Air Blade, SH...) và hàng chục chiếc ôtô con. Đường sá bị cày xới, lầy lội nhưng không ai quan tâm đầu tư làm lại mà chỉ lo xây nhà mình to, đẹp, trong khi việc học hành con em thì bỏ bê”, vị chủ tịch này tâm sự.

Nhớ lại 3 năm về trước, câu chuyện đổi đời ở xóm Thượng, xã Cự Khê, Thanh Oai (Hà Nội) là một điển hình khi người dân nơi đây nhận được quyết định thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án xây dựng tuyến đường mới nối từ quận Hà Đông xuyên qua các huyện phía Nam Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Tuyến đường này được dự kiến sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô và nằm gọn trong dự án khu đô thị Thanh Hà CIENCO 5. Cả xóm chỉ vỏn vẹn khoảng 300 hộ nhưng tiền đền bù lên tới hơn 800 tỷ. Dân làng rủ nhau may “túi ba gang” kéo lên ủy ban xã lĩnh tiền đền bù đất.

Có tiền trong tay, người dân tha hồ “vung quá trán”. Ngày ấy, thanh niên xóm Thượng đi đâu cũng gây được sự chú ý bằng những thú chơi và cách tiêu tiền không kém những công tử nội thành. Nhiều sàn nhảy còn dành hẳn chế độ đặc biệt cho những cậu ấm “phố ruộng” này mỗi khi lui tới. Thậm chí, giới giang hồ còn kháo nhau, tình cờ “công tử Hà thành” gặp phải “cậu ấm phố ruộng” trong một sàn nhảy, vì tranh dành bàn VIP. “Cậu ấm phố ruộng” tuyên bố sẽ bao mỗi bàn 1 Chivas để có chỗ ngồi này khiến “công tử Hà thành” tái mặt lặng lẽ rút lui.

“Gia sản” còn lại mỗi tật ăn chơi

Khi tiền đã cạn, đồng nghĩa với nó là những cuộc chơi cũng tàn theo, nhưng thói quen khó bỏ đã đưa các đại gia “phố ruộng” lao vào vòng lao lý lúc nào chẳng hay. Vụ án Nguyễn Văn Sách (SN 1978, ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vừa tuyên phạt mức án 9 năm tù giam vì đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản và sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức để thực hiện kế hoạch tống tiền là một minh chứng.

Theo đó, vào năm 2010, Sách cùng vợ gom góp tiền dành dụm và vay mượn để mua một máy gặt đập liên hợp nhằm thu hoạch lúa thuê cho các hộ dân trên địa bàn huyện Cai Lậy. Có chút tiền, vợ chồng dự định xây dựng một ngôi nhà mới, khang trang hơn và thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Để mở rộng quy mô làm ăn, Sách chủ động đi đến các huyện, các tỉnh lân cận để tìm hiểu thực tế. Trong quá trình đó, Sách bị bạn bè xấu lôi kéo nhậu nhẹt, bài bạc, rồi sang sòng bạc bên Campuchia để sát phạt. Lần đầu tiên tham gia đánh bạc, Sách thắng gần 5 triệu đồng, còn được ăn uống miễn phí.

Trở về quê, gã đàn ông hiền lành, chân chất, siêng năng giờ bỗng ngán ngẩm công việc của mình. Sách tích góp tiền công thu hoạch lúa, sau đó nói dối vợ con là sang Long An để mở mối làm ăn mới. Thực tế Sách đáp sang Campuchia. Khi vợ chồng đã gom góp được tiền chuẩn bị mua thêm một máy gặt đập liên hiệp, để mở rộng qui mô làm dịch vụ thì hắn lại giấu vợ, ôm tiền sang Campuchia đánh bạc tiếp và thua sạch. Để có tiền gỡ, Sách vay của chủ sòng bạc, cuối cùng số tiền lên đến gần 700 triệu đồng. Về đến quê, Sách vừa phải giấu gia đình chuyện đánh bạc, vừa phải vay mượn bạn bè, vay “nóng” với lãi suất cao để trả nợ. Túng quẫn không biết làm thế nào Sách nghĩ ra cách tống tiền các tiệm vàng lớn để lấy tiền trả nợ.

Trong tình cảnh khác, thời gian gần đây, chuyện ăn chơi trác táng của hai vợ chồng đại gia làng Nguyễn Văn Thắng - Nguyễn Thị Hải (Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) vẫn thường được người dân trong làng truyền tai nhau. Mặc dù, không học hành đến nơi đến chốn nhưng Thắng đã có cốt cách của một đại gia từ rất sớm. Sau này, Thắng và Hải kết thành vợ chồng, Hải mở quán bán đồ ăn, sau đó chuyển sang mở công ty, mở siêu thị, buôn bất động sản, đi vay nợ cả làng. Ngoài sự sang trọng, cách tiêu tiền như nước, ăn nói ngọt ngào, Thắng và Hải còn là hiện thân của của những người trẻ tuổi, năng động và tài giỏi siêu phàm. Thế nhưng, đó là quá khứ. Hiện tại, vợ chồng Thắng đang là con nợ bị “săn lùng” ráo riết

Trần Quyết


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.