Mặc dù cuộc sống của họ khó khăn như vậy nhưng vẫn phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo của những kẻ chuyên "ký sinh" trên lưng người khác. Nói chuyện với chúng tôi, chị N. cho biết, thỉnh thoảng lại có người đến đây, tự nhận là chủ căn biệt thự và thu tiền nhà. Sau này chúng tôi mới biết, đó là những tên "cò" biệt thự đang trắng trợn trấn lột tiền của mình. Cứ thấy căn biệt thự nào sáng đèn, đàn "kền kền" này lại mò đến kiếm tiền.
Mua nhà 15 tỷ để cho thuê 2 triệu/tháng
Không khó để chúng tôi có được số điện thoại của chủ các căn biệt thự ở khu đô thị Văn Khê. Bởi đã từ lâu, họ dán hàng chục tờ rơi cho thuê hoặc bán nhà. Sau khi lấy được số của một chủ căn biệt thự, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với người này. Nói chuyện với PV, anh Nguyễn Tuấn Định, chủ căn biệt thự ở khu đô thị Văn Khê cho biết: "Hai năm trước, tôi có mua lại từ một người bạn căn biệt thự ở khu đô thị này với giá 15 tỷ đồng. Căn này 181m2, hướng Đông Nam, đã xây thô 3,5 tầng, theo dự tính, đây sẽ là trụ sở mới của công ty. Tuy nhiên, sau này, do khủng hoảng kinh tế, công ty của tôi làm ăn thua lỗ, nên không có tiền hoàn thiện để chuyển trụ sở. Năm tháng trước, tôi chấp nhận lỗ, rao bán lại căn này với giá 9 tỷ đồng nhưng chẳng ma nào gọi điện đến hỏi mua. Mấy tháng trước, có việc nên tạt vào khu đô thị, vừa đến nơi, tôi phát hoảng vì căn nhà của mình được căng bạt, lắp cửa và quần áo phơi ngổn ngang trên tầng hai.
Thậm chí, người ta còn dựng thang bằng gỗ để lên tầng trên sinh sống. Sau này tôi mới biết, họ là người lao động không có nhà ở. Thấy người ta khó khăn nên tôi đồng ý cho thuê lại với giá 2 triệu đồng/tháng. Do căn biệt thự nằm ở vị trí trung tâm nên cũng khá nhiều cửa hàng, công ty liên lạc với tôi để thuê lại với giá cao. Tuy nhiên, họ yêu cầu phải cải tạo một số phần trong thiết kế nên tôi không đồng ý. Việc cho người lao động thuê vừa có tiền lại vừa có người trông giúp nhà. Bởi ở đây rất nhiều nghiện, nếu không có người ở, biệt thự sẽ biến thành "đại bản doanh" của chúng".
Nhiều căn biệt thự siêu sang trở thành nơi tập kết rác thải.
Cũng theo anh Định, cứ đến thời điểm cuối tháng, anh lại tạt qua thu tiền trọ của những người lao động. Tuy nhiên, hai tháng vừa rồi, do gia đình có công việc bận nên anh không đến thu được tiền nhà được. Hai tuần trước, một người thuê lại nhà gọi điện thông báo có một người đàn ông nói rằng được anh Định nhờ đến thu tiền. Tưởng vợ nhờ người khác đến lấy tiền nên anh gọi điện hỏi. Nhưng vợ anh Định khẳng định không nhờ bất cứ ai thu hộ tiền. Ông chủ này lập tức gọi điện cho người thuê nhà nói rằng đó là kẻ lừa đảo. Sau này, những người lao động sống ở đây mới biết đó là những tên "cò" biệt thự. Do bọn chúng biết tất cả tên chủ nhân các căn biệt thự, nên lợi dụng vào đó để lừa người thuê trọ.
Còn anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ một căn biệt thự liền kề tại khu đô thị Văn Khê cho biết, nhà anh có hai cậu con trai nên định mua một căn để sau này khi hai con đã lớn sẽ cho một người ra ở riêng. Tuy nhiên, do để quá lâu, căn biệt thự bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc quá đầu người. Thậm chí, khi không có người ở, trước cửa nhà anh biến thành một đống rác khổng lồ, bốc mùi hôi thối. "Khi tôi đến nơi, chứng kiến cảnh tượng rác thải trước cửa nhà mà hoảng quá. Mặc dù trước đó không có ý định sẽ cho thuê lại nhà nhưng vì muốn có người trông giữ nên tôi cải tạo lại tầng một rồi cho một quán ăn thuê với giá rẻ, 5 triệu đồng/tháng. Theo đúng lộ trình, hơn chục năm nữa gia đình tôi mới chuyển xuống đây ở. Tuy nhiên, thời điểm này, do quá khó khăn nên tôi rao bán nhà để có tiền tiếp tục đầu tư vào kinh doanh", anh Tuấn tâm sự.
Cận cảnh một căn nhà "ổ chuột" ở khu đô thị Văn Khê.
Chiêu "ký sinh" trên lưng người lao động
Khi chúng tôi đang nói chuyện với chị N. cũng là thời điểm những người ở trọ cùng trong căn biệt thự đi làm về. Vừa về đến nhà, họ lập tức dắt xe, cất máy móc vào ngay trong nhà rồi khoá cẩn thận. Thấy người lạ đến, tưởng tôi là "cò" đến thu tiền, mấy người này tỏ ra rất bức xúc. Một người nhìn tôi bảo: "Hôm qua cũng có người như anh đến thu tiền. Tôi gọi điện cho chủ nhà rồi, họ bảo rằng không nhờ ai đến thu giúp cả. Cái trò lừa đảo của các anh chúng tôi biết hết cả rồi. Nếu anh không ra khỏi nhà, chúng tôi sẽ báo công an". Sau khi được chị N. giải thích, người này cười xoà rồi nói với PV, vì phải ăn mấy quả lừa nên mới bức xúc như vậy.
Chị N. kể, khi chị và ba cặp vợ chồng khác đến đây "ở chui" trong các căn biệt thự bỏ hoang được một thời gian thì có hai người đàn ông nói rằng chủ nhà đến đây thu tiền. Tưởng họ là chủ nhà thật, chị N. vui vẻ đồng ý nộp tiền. Tuy nhiên, sau khi lấy tiền, người thuê nhà xin số điện thoại, họ cũng không cho. Thậm chí, lúc về, bọn chúng còn dặn những người thuê trọ rằng nếu có ai hỏi thì phải bảo là ở miễn phí.
Lúc đó, mặc dù thấy nghi ngờ nhưng sợ nói ra sẽ bị chủ nhà đuổi nên chị N. đành im lặng. Sau này, nói chuyện với một số người cũng thuê nhà ở đây, chị N. tá hoả phát hiện những người thu tiền trọ nhà mình cũng giở trò với các nhà khác. "Cuối tháng sau, hai người đàn ông này lại đến thu tiền nhà. Khi đó, chúng tôi đề nghị phải được xem sổ đỏ mới đóng tiền thì chúng ấp úng không trả lời được. Biết hành vi của mình bị phát hiện, họ còn lôi cả đầu gấu đến uy hiếp, đòi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, khi chúng tôi dọa báo công an, bọn họ mới chịu rút lui. Được biết, chỉ một tháng lừa ở đây, hai người này đã kiếm được cả mấy chục triệu đồng. Bởi những cửa hàng thuê lại ở đây, bọn chúng thu với giá rất cao. Nghe những người khác kể lại, trước đó, tình trạng mạo danh chủ nhà đến lừa tiền người ở trọ rất nhiều", chị N. kể.
Sau này, chị N. và những người bị lừa mới biết, hai gã đến thu tiền trọ của họ là bọn "cò mồi" biệt thự ở khu đô thị Văn Khê. Thời điểm này, hắn vẫn thường xuyên dẫn khách vào xem biệt thự để lĩnh tiền hoa hồng. Không lừa được tiền thuê nhà, bọn chúng quay sang bắt những người dân đóng tiền "bảo kê" nghiện, trộm. Chị N. bức xúc: "Bọn chúng nói rằng mỗi căn biệt thự đóng mỗi tháng 100.000 đồng sẽ không phải lo trộm cắp và nghiện gõ cửa nữa. Tuy nhiên, tiền chúng đã cầm mà trộm cắp vẫn xảy ra như cơm bữa. Sau này, khi chúng tôi làm "căng" trong chuyện đóng tiền, bọn chúng cũng chẳng dám đến thu nữa.
Mặc dù đã bóc mẽ được bộ mặt thật của chúng nhưng muốn kiếm một chỗ ở lâu dài và yên ổn sinh sống, tôi và mọi người cũng hạn chế gây hấn với họ. Đây cũng là tình trạng chung ở các khu đô thị bỏ hoang. Sau này, khi đã có được số điện thoại của chủ nhà "xịn", có vấn đề gì, chúng tôi chỉ việc gọi điện cho họ là được".
Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về khu đô thị bỏ hoang Mới đây, bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu về trách nhiệm của các chủ đầu tư, của chính quyền địa phương khi để tình trạng đô thị bỏ hoang, dự án đầu tư tràn lan kém hiệu quả. Theo đó, Nghị định 11/2013 về Quản lý đầu tư, phát triển đô thị, có hiệu lực từ 1/3/2013 quy định về trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị cho dân cư trong suốt quá trình thực hiện dự án (chưa bàn giao cho các cơ quan quản lý tại địa phương) của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương phải tổ chức tiếp nhận quản lý việc cung cấp các dịch vụ này khi được bàn giao từ chủ đầu tư... |
Vương Chân