Năm qua là năm rất thành công của Vingroup nói chung và ông Phạm Nhật Vượng nói riêng khi Vingroup lần lượt ra mắt những mảng kinh doanh “khủng”.
Đó là mảng ô tô xe máy với sự chào sân của 3 mẫu xe hơi đầu tiên mang thương hiệu VinFast, xe đạp điện Klara. Còn ở mảng công nghệ, Vingroup cũng chinh phục được những khách hàng khó tính với điện thoại thông minh Vsmart. Cả 2 thương hiệu này đều ghi được dấu ấn mạnh mẽ khi ra mắt.
Còn ở mảng bất động sản quen thuộc, Vingroup khiến dư luận xôn xao khi khai trương Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam. Landmark 81 nhanh chóng trở thành “thiên đường vui chơi” mới của giới trẻ. Ai ghé thăm Sài Gòn đều không quên “check in” địa điểm này.
Với những dấu ấn như vậy, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup không ngừng tăng mạnh bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam có chuỗi ngày chao đảo. Trong những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018, VIC giao dịch phổ biến ở mức gần 104.000 đồng/CP.
Như vậy, so với phiên cuối cùng của năm Đinh Dậu 2017, cổ phiếu VIC đã tăng khoảng 33.000 đồng/CP, tương ứng 46,5%. Đây là mức tăng rất đáng kể trong bối cảnh VN-Index điều chỉnh mạnh và cổ phiếu VIC được đánh giá là đã tăng rất mạnh trước đó.
Với đà tăng này, VIC giúp vốn hóa thị trường Vingroup có thêm 105.324 tỷ đồng (khoảng 4,55 tỷ USD). Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình tăng mạnh và vì thế, ông vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, sau năm Mậu Tuất, tài sản của ông Vượng tăng 61.551 tỷ đồng (khoảng 2,66 tỷ USD) lên gần 193.500 tỷ đồng (khoảng 8,36 tỷ USD). Tài sản của ông Vượng nhiều vượt trội so với người đứng ở vị trí thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không Vietjet.
Tuy nhiên, theo thống kê của tạp chí Forbes, tài sản của ông Vượng thấp hơn một chút. Tại ngày 28/1/2019, theo đánh giá của Forbes, ông Vượng có 6,8 tỷ USD, tăng 2,5 tỷ USD, tương ứng 58% so với ngày 6/3/2018, thời điểm Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại kém may mắn hơn ông Phạm Nhật Vượng khi cổ phiếu VJC giảm đáng kể. Sau 1 năm giao dịch, VJC giảm khoảng 40.000 đồng/CP, tương ứng 24,7%. Như vậy, VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet Air “đánh rơi” 21.664 tỷ đồng (khoảng 936 triệu USD).
Riêng lượng cổ phiếu VJC thuộc sở hữu của bà Thảo cũng hao hụt đáng kể khi giảm 6.740 tỷ đồng (khoảng 291 triệu USD). Tài sản suy giảm mạnh nên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bà Thảo khó duy trì được vị trí thứ 2 của mình khi năm Mậu Tuất 2018 kết thúc.
Còn trong danh sách của Forbes, bà Thảo vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 với khối tài sản đạt 2,5 tỷ USD. Con số này giảm tới 600 triệu USD, tương ứng 19% so với ngày 6/3/2018.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 2 tỷ phú mới trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đó là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Masan).
Cụ thể, cả ông Hùng Anh và ông Đăng Quang đều không sở hữu trực tiếp số lượng lớn cổ phiếu MSN nên trước đây báo chí không thể thống kê được tài sản của hai vị đại gia này. Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu gián tiếp cổ phiếu MSN qua Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương được hé lộ, bức tranh tài sản của họ đã hiện lên rõ nét.
Cổ phiếu MSN, TCB mang lại cho ông Hồ Hùng Anh khối tài sản lên đến khoảng 20.600 tỷ đồng (khoảng 890 triệu USD). Còn cổ phiếu MSN, TCB và MCH giúp ông Nguyễn Đăng Quang có trong tay khối tài sản trị giá 20.200 tỷ đồng (khoảng 873 triệu USD).
Nhờ đó, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh có khả năng soán ngôi bà Phương Thảo để đứng ở vị trí thứ 2 trong thời gian tới.
Theo VTC News