Ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thưong về việc cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng đã có quyết định về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020. Trong đó, có quy định về việc thương nhân đăng ký hải quan và các quy định khác liên quan và tất cả những nội dung tại quyết định này được thực hiện từ 0h ngày 11/4.
Thực hiện nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này mở cổng đăng ký tờ khai từ 0h đến 19h34 ngày 12/4, thì đã có 399.999,73 tấn gạo có doanh nghiệp mở tờ khai.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước không đồng tình với việc cơ quan Hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm khiến doanh nghiệp không nắm được thông tin để đăng ký. Trong khi Tổng cục Hải quan cho rằng, việc đăng ký mở tờ khai được thực hiện tự động, không có sự can thiệp của công chức ngành Hải quan.
Xem thêm:
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm
Bị "tố" mở tờ khai lúc nửa đêm rồi báo hết sau 3 giờ, Tổng cục Hải quan nói gì?
Theo tìm hiểu, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong giới xuất khẩu gạo. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex có tới 102 tờ khai, đứng đầu trong danh sách khi đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25%.
Ngoài Intimex còn có 4 doanh nghiệp đăng ký thành công số lượng lớn là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, CTCP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Ngoài ra, một loạt các DN tên tuổi khác như: CTCP Quốc Tế Gia, CTCP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, CTCP Hiệp lợi, Công ty TNHH Phát tài, CTCP Lương thực Bình Định, CTCP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000 - 17.000 tấn…
Dù chiếm tới 25% số lượng gạo xuất khẩu đợt này nhưng trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM tối 14/4, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho biết, dù may mắn đăng ký được nhưng doanh nghiệp này hiện vẫn tồn kho gần 40.000 tấn gạo.
“Mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp chậm chân, không xuất khẩu được là chuyện hết sức bình thường”, ông Nam nói.
Tìm hiểu về Intimex Group, được biết khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ với vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng. Sau 6 lần điều chỉnh tăng, số vốn điều lệ của Intimex Group tính đến tháng 6/2019 đạt mức 348 tỷ đồng.
Công ty hiện có quy mô gồm 900 lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Mạng lưới hoạt động của Intimex trải dài từ Bắc đến Nam với 6 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên. Tập đoàn cũng sở hữu 11 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, tổng công suất đạt 570.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn còn có 1 nhà máy chế biến tiêu xuất khẩu tại Bình Dương công suất 5.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp với công suất 150.000 tấn/năm; 3 phân xưởng chế biến điều xuất khẩu ở Tây Ninh và Bình Dương; 5 Trung tâm Thương mại tại Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng; 1 nhà máy sản xuất bê tông công suất 1,3 triệu m3/năm và 1 mỏ khai thác đá tại Đà Nẵng công suất 180.000 m3/năm; cùng với 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Lâm Đồng công suất 30 triệu viên/năm.
Intimex còn đầu tư chuỗi nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, dự kiến xuất khẩu gạo 500.000 tấn/năm, trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam năm 2019.
Thị trường hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Intimex không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra hầu hết các thị trường lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ, Tây Á, Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN… với hàng trăm doanh nghiệp quốc tế lớn, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ngoài Intimex, vị doanh nhân sinh năm 1956 này còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bê tông Hòa Cầm (mã HCC) và CTCP Mascopex, cả hai công ty này đều là thành viên của Intimex Group. Bên cạnh đó, ông Nam còn là Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc báo cáo thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao liên quan đến việc xuất khẩu gạo.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần nêu cụ thể về quy trình, cách làm danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.
Đồng thời, Bộ Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ tình hình mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai các nhiệm vụ đã được gia, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo và công tác phối hợp với Bộ Tài chính.
Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng các nội dung nêu trên trước ngày 18/4
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)