Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) được sửa đổi, bổ sung ngày 20/11 vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nói chung và giới ngân hàng nói riêng, đặc biệt là quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức vụ cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc... của các doanh nghiệp khác.
Quy định này được cho là ít nhiều gây khó cho nhiều đại gia vừa sở hữu tập đoàn tư nhân vừa làm "sếp" ngân hàng. Thực tế hiện nay đa số Chủ tịch HĐQT của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, những đại gia nằm trong danh sách kiêm nhiệm sếp ngân hàng và sếp doanh nghiệp thường là người đã có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nắm giữ quyền chi phối các tập đoàn lớn sau đó lấn sân sang lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Điển hình là ông Dương Công Minh - "chủ soái" tập đoàn Him Lam chuyên về các dự án bất động sản đình đám. Ngày 30/6 vừa qua, ông Dương Công Minh đã chính thức nhận nhiệm vụ Chủ tịch tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đem lại làn gió mới cho ngân hàng đang vướng vào "vũng lầy" sau thời ông Trầm Bê.
Danh sách các đại gia đang nắm giữ chức Chủ tịch ngân hàng kiêm Chủ tịch tập đoàn tư nhân còn phải kể đến các nhân vật đình đám khác như: Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) của tập đoàn T&T kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đồng thời giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp vệ tinh.
Hai nữ doanh nhân nổi tiếng là bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và bà Thái Hương - người gắn liền với thương hiệu sữa TH True Milk, ngân hàng Bắc Á Bank cũng đang phải đứng trước sự lựa chọn từ bỏ vị trí nào: Chủ tịch ngân hàng hay chủ doanh nghiệp?
Theo quy định của luật, lựa chọn khả dĩ nhất đối với các đại gia trên sẽ là rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhưng vẫn là thành viên trong HĐQT ngân hàng. Trong khi đó, nếu vẫn muốn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT ngân hàng thì sẽ phải từ nhiệm khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp, điều này sẽ gây ra sự xáo trộn lớn đối với "hệ sinh thái" doanh nghiệp do họ dựng lên.
Đòn mạnh siết sở hữu chéo
Các chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng đều đánh giá những thay đổi trong luật TCTD lần này là quy định tích cực, thể hiện ý chí của nhà làm luật. Tuy nhiên vấn đề siết sở hữu chéo vẫn còn khó khăn.
Nhìn nhận về câu chuyện trên, chia sẻ với PV, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc trường Đào tạo BIDV đánh giá, điều luật được sửa đổi trên sẽ tác động lớn đến ngành ngân hàng trong thời gian tới. Đặc biệt khi các nhân sự chủ chốt phải đưa ra sự lựa chọn "sếp ngân hàng hay sếp doanh nghiệp" để phù hợp với sự điều chỉnh của luật pháp.
"Về mặt tích cực, luật TCTD sửa đổi nhằm góp phần nâng cao quản trị doanh nghiệp nói chung và quản trị ngân hàng nói riêng, giảm bớt tình trạng sở hữu chéo và đặc biệt là lợi ích nhóm trong một số TCTD hiện nay. Trên thực tế, tại các ngân hàng có sự kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo với doanh nghiệp, khi ngân hàng cho doanh nghiệp đó vay sẽ xuất hiện mâu thuẫn lợi ích, phục vụ mục đích riêng cho một nhóm cổ đông" - ông Cấn Văn Lực phân tích.
Bên cạnh đó, quy định trên cũng phần nào hạn chế sự đóng góp về mặt quản trị điều hành của lãnh đạo ngân hàng tại các doanh nghiệp nếu phải lựa chọn bỏ một chức danh. Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, để quy định mới tránh chỉ là hình thức, giấy tờ, cần kết hợp nâng cao quản trị ngân hàng cũng như kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
"Điểm then chốt của xử lý sở hữu chéo là phải nâng cao quản trị ngân hàng, nhằm tránh việc ngân hàng rơi vào tay một người hay một nhóm người. Thứ nữa là phải kiểm soát quan hệ của ngân hàng với các bên liên quan, ngăn chặn hiện tượng tuồn vốn cho công ty sân sau", ông Ánh phân tích.
Theo quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, nếu không kết hợp chặt chẽ những biện pháp trên, thì việc bắt sếp ngân hàng phải từ nhiệm vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp khác sẽ chỉ mang tính hình thức. Bởi, các đại gia dễ dàng thay thế người thân thích hoặc thuê người khác vào vị trí này nhưng bản thân họ vẫn là người trực tiếp điều hành.
“Người trong cuộc” nói gì? Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đã nhận được thông tin về quy định nêu trên. Ông nói: "Đã là Luật thì phải tuân thủ và tôi không có ý kiến gì về quy định này!". Trả lời câu hỏi về phương án đi hay ở của các ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeABank, đại diện truyền thông 2 ngân hàng này đều cho biết, hiện chưa nắm được phương án cụ thể của Chủ tịch HĐQT và HĐQT. Tuy nhiên, đây là quy định trong Luật nên buộc ngân hàng sẽ phải tuân theo, cho đến trước ngày 15/8/2018 khi dự thảo Luật có hiệu lực. Về trường hợp ông Đỗ Minh Phú hiện đang làm Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý Doji và ngân hàng TPBank, đại diện truyền thông Doji cho biết hiện Doji vẫn chưa có phương án cụ thể nào về việc vị trí Chủ tịch HĐQT sẽ được chuyển cho ai hay như thế nào. "Với ông Đỗ Minh Phú, Doji được ví như là đứa con, còn TPBank được ví như tình yêu". Hiện nay cả 2 người con của ông Phú là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức đều đang giữ chức vụ cao tại Doji. Không loại trừ trường hợp ông Phú có thể chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT Doji của mình cho 1 trong 2 người con để phù hợp quy định của pháp luật. |