Là một trong 9 ngân hàng nhỏ phải thực hiện tái cấu trúc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), GPBank vừa cho biết, Tập đoàn tài chính lớn của Singapore là UOB có thể sẽ mua cổ phần của GPBank. GPBank đang trình một số phương án tái cơ cấu lên NHNN, trong đó có phương án chọn đối tác nước ngoài là UOB.
Thông tin trên của GPBank đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi lẽ rất có thể, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua được lượng lớn cổ phần của GPBank, nếu như Nghị định mới thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP được Chính phủ ban hành.
Nhiều ngân hàng trong nước đang rất cần vốn ngoại để tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh. (Ảnh: Đức Thanh)
Theo một nguồn tin của phóng viên, UOB muốn mua lại 100% vốn của GPBank. Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 20% cổ phần của ngân hàng nội.
Tuy nhiên, Nghị định mới có thể nâng tỷ lệ này lên tới 49%. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, để phục vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thủ tướng Chính phủ có thể nâng tỷ lệ này cao hơn.
Thực tế cho thấy, trong quá trình tái cơ cấu hiện nay, không phải nhà băng nào cũng đủ lực để tự thực hiện, mà đòi hỏi phải có sự hợp sức từ nhiều phía. Trong đó, thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước được xem là giải pháp tốt.
Trong khi đó, việc sửa đổi Nghị định 69/2007/NĐ-CP đang tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc bỏ vốn vào ngân hàng Việt Nam.
Theo dự thảo mới, các nhà đầu tư nước ngoài và các chi nhánh có thể nắm tới hơn 30% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam, đồng thời nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể được phép sở hữu tới 20% cổ phần, nhưng không cần phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ. Đó chính là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực ngân hàng trước chủ trương đẩy mạnh việc tái cơ cấu.
Thời gian qua, đã có không ít nhà băng đã thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài bằng cách bán một phần vốn, với tỷ lệ 10 - 15% và tối đa 20% vốn cổ phần sau khi được chấp thuận.
Với chủ trương tái cấu trúc và NHNN cho phép thực hiện trên tinh thần tự nguyện tìm phương án tái cấu trúc, các nhà băng chủ yếu tìm đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh.
Không chỉ các nhà băng nằm trong diện bắt buộc phải thực hiện tái cấu trúc, mà ngay cả những ngân hàng không thuộc diện tái cơ cấu và nhà băng lớn chưa có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quá trình tìm kiếm cổ đông ngoại.
Chẳng hạn tại Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng đang xúc tiến lựa chọn các đối tác nước ngoài phù hợp để thực hiện tăng vốn giai đoạn II, dự kiến hoàn tất trong quý IV này, với tỷ lệ cổ phần chào bán là 20%.
Ngoài Sacombank, một nhà băng khác có trụ sở tại TP.HCM vừa hoàn tất việc sáp nhập thêm một ngân hàng nội khác cũng đang trong quá trình đàm phán, tìm kiếm đối tác nước ngoài phù hợp để tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, nâng cao tiềm lực tài chính và đẩy mạnh hơn nửa chiến lược bán lẻ. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, nhiều khả năng, nhà băng này sẽ chọn đối tác ngoại là một nhà đầu tư Nhật Bản.
Đánh giá về lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam, nhất là với dịch vụ tài chính bán lẻ, một chuyên gia tài chính nước ngoài cho biết, tiềm năng của lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện còn rất lớn, nhưng chưa khai thác hết.
Theo Đầu tư