Trên tầng thượng của quán cà phê nổi tiếng Hàm Cá Mập, ngay sát Hồ Gươm là bốn thanh niên 9x, một gái và ba trai. Cậu bé tóc vàng kể: “Hôm trước tao vừa mua con điện thoại Vertu ở 65 phố Hàng Bún. Hơn 200 củ, đẹp mê hồn nhưng chưa dám dùng vì sợ bà già biết lại la mắng”. Tiếng cô bé ngồi cạnh: “Sao phải sợ? Bà ấy sợ anh thì có. Anh mà bỏ đi một ngày thì bả khóc hết nước mắt.. ”.
“Chuẩn. Bà ấy rút lõi tiền của ông bô anh để đi nhảy, đi mát sa, mát gần. Anh thu lại một ít có sao đâu, tiền móc túi cả mà. Bà ấy có biết cũng chẳng dám làm to chuyện nhưng để anh phục hôm nào bà ấy đi với thằng tình nhân hơn 20 tuổi để bắt quả tang rồi mới mang ra dùng. Lúc đấy bà ấy há miệng cũng khó”, tiếng cậu bé trả lời(?!)
Nghe câu chuyện trên, những người ngồi quanh chẳng biết nên cười hay nên khóc. Với một gia đình “dột từ nóc” như cách cậu quí tử 9x đã thể hiện thì tiền, thậm chí có rất nhiều tiền để xài hàng hiệu cũng thật vô nghĩa.
Những shop hàng hiệu này là địa chỉ quen thuộc của các đại gia nhí.
Chưa hết, một cậu bé khác nói chen vào: “Chuyện rút lõi phải nói đến bà chị tao. Học đại học nhưng nghề rút lõi thì thôi rồi. Ngồi đếm tiền cho bà già tao một lúc mà ném xuống gầm giường được hơn 3 củ. Ông bô tao toàn về đến nhà là say khướt nên tao và bà chị tuần nào cũng có vài củ tiêu rủng rỉnh. Tất cả là nhờ rút lõi trong ví tiền của ổng. Có hôm ông ấy hỏi “hình như chúng mày lấy tiền của tao” thì bị chị tao mắng vì ổng có biết trong túi mình có bao nhiêu tiền đâu. Cứ nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú tối ngày thì sao kiểm soát được tiền bạc. Tao mong ông bô tao cứ say suốt”.
Nhiều đại gia nhí nhập trại giam vì trộm tiền
Trên mặt bàn của 4 đại gia nhí này là gần chục chiếc điện thoại đắt tiền, toàn thương hiệu nổi tiếng như Vertu, Mobiado, Iphon… Trên cổ cô bé tóc vàng hoe là chiếc dây chuyền đính viên kim cương nặng không dưới 6 ly, giá trị hàng trăm triệu đồng. Qua câu chyện của họ thì cô bé này là con một đại gia ngành may mặc ở Hà Nội. Tiếng cô bé lanh lảnh: “Sàn Nextop giờ chán ngắt. Hôm trước bọn em vào đó xõa hết hơn 30 củ mà không phê vì quá vắng khách. Cắn kẹo mà không phê được chán bỏ mẹ…”.
Thời trước, những người bỏ ra cả đống tiền để chơi hàng hiệu vốn được xã hội nhìn nhận không mấy thiện cảm. Thời mở cửa, cái nhìn đã khác, cởi mở hơn. Nhà tâm lý Bùi Tuệ nhận xét: “Làm hết sức, chơi hết mình là tâm lý của một bộ phận giới trẻ và nó không vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Ở một góc độ nào đó nó còn cần được khuyến khích vì nó có tác dụng kích cầu. Tất nhiên là việc tiêu xài phải dựa vào thu nhập của chính bản thân, từ sức lao động chân chính chứ không phải bằng tiền xin được hoặc trộm cắp của cha mẹ như một số 9x đang tự hào. Bỏ hàng ngàn đô la Mỹ của bố mẹ chỉ để mua một chiếc điện thoại di động thì thật khó chấp nhận. Đó mới là sự xuống cấp về đạo đức và quan niệm sống… Trên thực tế nhiều bậc cha mẹ đã phải cắn răng báo công an về hành vi trộm cắp của con. Bi kịch hơn, có ông bố đã lỡ tay giết chết con mình vì quá tức giận khi liên tục bị quý tử trộm tiền”.
Một nữ 9x chuyên bán nước hoa hàng hiệu trên mạng bộc bạch: “Nếu ai đó khoác lên người toàn hàng hiệu mà không hiểu được giá trị của đồng tiền, không hiểu được bố mẹ mình vất vả thế nào để kiếm tiền thì nhân cách không đáng một xu. Em không thích nói chuyện với những kẻ thừa tiền, thiếu nhân cách. Ở bất cứ góc độ nào, nhân cách và sự lao động miệt mài mới tạo ra đẳng cấp thực sự của một con người chứ không phải họ dùng đồ hiệu của hãng nào”.
Đam mê hàng hiệu không phải là điều đáng trách. Tuy nhiên, mua hàng hiệu bằng những đồng tiền không phải của mình làm ra, bằng tiền bất chính thì rất đáng lên án. Không ít đại gia nhí vì cố có một sản phẩm hàng hiệu mà dính vào vòng lao lý…
Theo M.Tuấn (Pháp luật xã hội)