LTS: Gặp tác giả bài hát "Bà tôi", kiến trúc sư, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến trong những ngày anh từ Pháp về Việt Nam tìm kiếm thêm tài liệu cho đề tài nghiên cứu sinh về Kiến trúc của mình với chủ đề: Đô thị đa cực hạng trung ở Việt Nam, đồng thời cũng đúng dịp tròn 5 năm TP Hà Nôi được mở rộng. Chúng tôi đã trao đổi với anh một số câu chuyện liên quan đến bản sắc đô thị, một trong số những gợi mở đầu tiên, đó là những câu thơ của anh phản ánh một góc nào đó của Hà Nội:
Hàng xóm của tôi
Quanh năm kín cổng cao tường
Chúng tôi chung nhau, chỉ :
Một chiếc chiếc loa phường trên cao…
Nguyễn Vĩnh Tiến: "Hà Nội cũng giống như các đô thị lớn khác ở Việt Nam đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt" |
Hà Nội của ai?
Mỗi khi có dịp ngồi với những người lớn tuổi, tôi thường được nghe các cụ hoài niệm về một Hà Nội ‘leng keng tàu điện’, với đường phố yên tĩnh thơm mùi hoa sữa, những chiều tà cùng xe đạp… Sau đó là những lời thở than Hà Nội giờ đã thay đổi, với những tính từ như ‘xô bồ’ ‘tạp nham’ ‘chộp giật’. Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng mang bao tâm tư với phim ‘Hà Nội trong mắt ai’, còn Hà Nội trong mắt anh thì sao?
Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến: Đô thị đang tiến hóa. Hà Nội cũng giống như các đô thị lớn khác ở Việt Nam đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sự đổi thay của Hà Nội được chú trọng hơn bởi đó là Thủ đô ngàn năm văn hiến, đó là một Métropole (Đại đô thị) trong tương lai gần của Đông Nam Á và châu Á.
Khi đô thị tiến hóa thì chúng ta phải cố gắng nhìn nhận về nó trong bối cảnh của một sự vận động “động” chứ không “ tĩnh “ như trong điện ảnh và thi ca. Cái quá khứ bao giờ cũng trở nên đèm đẹp và lung linh hơn cái hiện tại.
Hà Nội trong mắt tôi tầng tầng lớp lớp những nét đẹp từ lịch sử, kiến trúc và con người. Xen lẫn với nó lại là những xô bồ, hỗn tạp, nổi trôi của cơn lũ thời đổi mới kinh tế và những dòng di cư có vẻ rất ngẫu hứng bởi thuyết kinh tế “ bàn tay vô hình” . Những tầng lớp khác nhau ấy rất khó để chúng ta tìm ra và gọi tên được một thứ gọi là Bản sắc riêng của Hà Nội.
Nhưng ít nhất, cũng có nhìn nhận chung: Hà Nội giờ của ai? Là của ‘người Tràng An’ như được mô tả trong sách vở; của những gánh hàng rong vỉa hè, của nhạc sĩ Phú Quang, hay của những bà nội trợ chiếm dụng thang máy và hành lang tập thể để đặt bếp than tổ ong và những ông cởi trần khoe bụng phệ trên các vỉa hè?
-Hà Nội của ai? Tôi nghĩ là của tất cả mọi người. Câu hỏi đó, chính người Pháp cũng đã từng đặt ra với Paris của họ. Paris là một Métropole của thế giới, nơi mà tất cả mọi người đều có quyền dừng chân, xem, lắng nghe và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, thậm chí bạn cũng có thể định cư nếu đủ điều kiện.
Đô thị đâu phải là những chiếc hộp được đóng kín. Đô thị là tập hợp của những dòng chảy không ngừng.
Khái niệm về “ Bản sắc đô thị” là một khái niệm khá nhạy cảm là bởi vì, một mặt nó giúp người ta nhận diện được những nét đặc thù về văn hóa và lối sống, thậm chí cơ cấu chủng tộc trong lòng một thành phố nhưng mặt trái của nó lại củng cố cho những kỳ thị, phân biệt vùng miền và sự hình thành những nhóm đồng hương, nhóm lợi ích kiểu phe phái trong nội sinh của một thành phố. Điều đó dễ nhận biết trong những đô thị nhỏ nhưng đối với Hà Nội, dường như tất cả mọi ranh giới đều trở nên mờ ảo.
Yếu tố ngoại luôn có mặt tích cực
Có hai câu chuyện khá nổi tiếng gắn liền với chủ đề ‘bản sắc đô thị’ mà anh vừa nói: một chuyện cách đây khá lâu, khi Lễ hội hoa bị dẫm đạp, nhiều người lên tiếng ‘chỉ có dân ngoại tỉnh, người Hà Nội không bao cư xử kiểu đó’ và gần đây nhất là một văn bản gây ồn ào của Bộ Xây dựng về việc ‘cấm xây nhà giống kiến trúc Pháp’.Theo anh, điều đó có thể hiện sự lúng túng, mông lung trong việc định nghĩa hoặc tìm ra một ‘bản sắc đô thị’ và các giá trị chuẩn mực cho thủ đô?
Câu chuyện thứ nhất, tôi nghĩ rằng không nên có những lối phân biệt vùng miền trong lòng một đô thị đa cực như Hà Nội. Người Hà Nội gốc giờ còn lại bao nhiêu người? Họ có bao giờ lấy chồng hoặc vợ là người ngoại tỉnh không?
Họ có thực sự ưu việt hơn những người ngoại tỉnh về kiến thức và văn hóa không? Những câu hỏi đó khi đặt ra sẽ thấy thật khôi hài, thậm chí có màu sắc “ vùng miền chủ nghĩa” và điều đó rất không nên.
Hà Nội không thể bị phân hóa bởi những quan điểm rời rạc như vậy. Hà Nội là của chung, và việc của chúng ta là cùng tìm cách để cho mỗi cư dân đô thị trở thành một “ đại sứ du lịch” của chính Hà Nội.
Các biệt thự mới liên tục được xây. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi còn nhớ hồi năm 20 tuổi, khi đang là sinh viên kiến trúc đang nghiên cứu về đề tài kiến trúc cổ Việt Nam và những kiến trúc xây chen trong khu vực Phố cổ Hà Nội. tôi được gặp trực tiếp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi hỏi Thủ tướng: Thưa ông, về quy hoạch và kiến trúc, khu vực nào ở Hà Nội mà Thủ tướng thích nhất? Thủ tướng Kiệt trả lời rất nhanh: Khu vực đẹp nhất về quy hoạch và phong cách kiến trúc là chính là khu vực tôi và các bạn đang ngồi và khu phố Pháp, còn gọi là khu phố Cũ.
Bên cạnh khu Phố Cổ với bản sắc rất Việt Nam, Khu phố Pháp còn gọi là Khu Phố Cũ có rất nhiều biệt thự đẹp được thiết kế với phong cách kiến trúc Đông Dương. Đó là một phong cách hoàn toàn được sáng tạo ở Đông Dương, đáp ứng được khí hậu nhiệt đới, văn hóa, lối sống bản địa và được thiết kế bởi những kiến trúc sư người Pháp và những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của nước ta được đào tạo từ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bên cạnh đó, thiết kế cảnh quan và trồng cây xanh ở những khu phố này cũng rất được chú trọng : có những khu phố chuyên trồng cây sấu, có phố trồng hoa sữa, có những phố lại rợp mát bởi những cây bàng…
Được biết, Bộ Xây dựng vừa có công văn chỉ đạo các địa phương không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu, sau đó lại có đính chính hủy bỏ quy định này. Không chỉ Bộ Xây Dựng mà cả Hội Kiến Trúc Sư Việt nam cũng rất không ủng hộ trào lưu xây dựng giả cổ một cách thái quá như hiện nay. Điều đó, theo tôi phản ánh sự nôn nóng của các nhà quản lý và thậm chí của cả những nhà chuyên môn về hiện tượng “ nông thôn hóa thành thị” về mặt quy hoặch và “ trọc phú hóa thành thị” bởi những công trình khoe của kiểu hoàng gia, và hoàn toàn yếu kém về thẩm mỹ kiến trúc. Tuy nhiên, đó chỉ là sự sốt sắng tỉa lá cành chí không phải một chiến lược dài lâu để sửa được gốc rễ.
Chúng ta không thể cấm giống Pháp, giống châu Âu rồi sau này lại cấm nốt giống Ấn, giống Nga, giống Trung Quốc…. Các yếu tố ngoại nhập luôn có mặt tích cực mà người dân dễ dàng nhận ra. Điều quan trọng hơn, theo tôi cần xem xét lại những yếu tố “nội sinh”, đó là trước hết, mượn thuật ngữ của Cụ Phan Châu Trinh, chúng ta cần phải “ tự cường”, sau đó về mặt gốc rễ , biết coi trọng lý thuyết và có chiến lược để xuất hiện và dung dưỡng các nhà lý thuyết giỏi về kiến trúc và quy hoạch. Khuyến khích văn hóa tranh luận trong quy hoạch và kiến trúc. Chấn chỉnh lại công tác đào tạo kiến trúc sư trẻ.
Đại gia sắp phá sản thường sắm siêu xe
Khi nói đến những vấn đề hạ tầng kém chất lượng, có một câu trả lời gần như thường trực: chúng ta không có (thiếu) tiền. Nhưng vừa qua lại xuất hiện những công trình bảo tàng, nhà hát, sân vận động… triệu đô. Như vậy thấy rằng, lý do ‘thiếu tiền’ có vẻ không hợp lý lắm. Chính xác là gì, theo anh?
-Câu chuyện về những công trình nghìn tỷ nhiều khi khá hài hước, giống như khi chúng ta liên tưởng đến những đại gia sắp phá sản thường hay sắm xe siêu sang để che dấu đi số nợ khổng lồ của họ và cũng na ná như liên tưởng đến hình ảnh một gia đình nghèo toàn diện nhưng lại có con cái đeo nhẫn vài tỷ. Việc một số tỉnh nghèo vẫn cố xây những công trình to lớn và lãng phí chẳng khác gì 2 liên tưởng kể trên và chẳng hề phản ánh được thực chất về bức tranh toàn cảnh đô thị.
Sự thiếu vắng lý thuyết và lý thuyết gia trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ dẫn tới những quyết định sai và lãng phí. Bức tranh đô thị hiện nay lộn xộn, nhiều di sản bị hủy hoại là do chúng ta coi thường lý luận. Những quyết định lớn, trên thực tế là do các “quan lớn” quyết chứ không phải do những nhà chuyên môn quyết. “Nhà lý thuyết” đôi khi lại chính là những người dân, nên “dân luận” cũng là một kênh “lý thuyết” cần được lắng nghe.
Khi nói đến bản sắc và văn hóa đô thị, ta thường nghĩ ngay đến khái niệm “văn minh đô thị”. Vậy “văn minh đô thị” và “văn hóa đô thị” có mâu thuẫn với nhau trong quá trình phát triển đô thị hay không?
-Với tôi, văn minh đô thị và văn hóa đô thị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Văn minh là những tiến bộ mang tính kỹ thuật, công nghệ. Khi nói đến một khu phố hay một thành phố văn minh, nghĩa là chúng ta đang nói đến những tiến bộ mang dấu ấn của thời đại, phong cách, thời trang, lối sống, cấu trúc thượng tầng… Nhưng khi nói đến “văn hóa đô thị” là chúng ta cần khảo sát đến những “làn sóng ngầm” như cơ cấu dân tộc, con người, phong tục tập quán… Ví dụ như ở Hà Nội, bên cạnh những địa danh nổi tiếng như Văn Miếu, Phố Cổ, Phố Cũ…v..v… vẫn cần phải nhắc đến những “Làng Đô Thị” mà cho đến tận ngày nay vẫn giữ được các lễ hội truyền thống và những hoạt động cộng đồng lâu đời.
Nguyễn Vĩnh Tiến: "Luôn có hai tác động ngược chiều: đô thị sẽ được định dạng bởi con người và chính con người định dạng lại đô thị" |
Không những không mâu thuẫn, văn minh và văn hóa đô thị cần được đan xen vào nhau trong quá trình phát triển. Với Hà Nội, một mặt, thành phố đang nỗ lực xây dựng văn minh đô thị: những đường cao tốc, nhà cao tầng, công trình hiện đại… Mặt khác, chúng ta vẫn cần tôn trọng đến những trầm tích về mặt văn hóa lối sống, đơn giản như những gánh hàng hoa hay những món ngon vỉa hè Hà nội.
Luật thủ đô mới có hiệu lực hơn một tháng nay, với nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra những đổi thay cho Hà Nội. Nhiều vấn đề được đặt ra, nhưng có một thực tế hiện tượng nhếch nhác của Thủ đô vẫn tồn tại đâu đó. Vậy phải chăng trước khi xây đắp những vấn đề vĩ mô, ta nên bắt đầu từ những quy định, phổ cập những nguyên tắc tối thiểu của một người sống ở đô thị: tôn trọng không gian chung, tôn trọng sự riêng tư của người khác, tôn trọng cộng đồng…
-Mỗi thành phố cũng nên đưa ra những tiêu chí hoặc quy chế đô thị. Tôi thấy việc này luôn có tính hai mặt: một mặt sẽ giúp cho đô thị đó nhấn mạnh được hơn những nét đặc thù, làm tăng giá trị đô thị, thống nhất được hình thái và kiểu loại kiến trúc. Nhưng mặt khác, thành phố đó lại tự nhốt mình trong một cái hộp cứng nhắc và kém đi vẻ năng động. Quy chế đô thị, trong trường hợp Hà Nội thì đó là Luật Thủ Đô, là một việc cần làm nhưng điều quan trọng nhất, đó là ai sẽ soạn ra nó ? Theo tôi nghĩ, riêng về kiến trúc quy hoạch, chúng ta cần mời được những giáo sư tiến sỹ thật giỏi và kinh nghiệm ở Châu Âu trong việc soạn thảo, giống như Tỉnh Lào Cai đã làm thành công : “Quy chế Sa Pa” với sự nghiên cứu sâu sắc của những chuyên gia nước ngoài.
Luôn có hai tác động ngược chiều: đô thị sẽ được định dạng bởi con người và chính con người định dạng lại đô thị.
-Cảm ơn anh!
Theo Hoàng Hường (Vietnamnet)