Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát

Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 7, 24/02/2018 08:01

Nếu coi “đất vàng” là một trong những bảo bối của doanh nghiệp Nhà nước khi “lên sàn” thì có thể nói đại gia thực phẩm Hapro đang nắm giữ khá nhiều mảnh đất thuộc tầm “kim cương” ở Hà Nội. Nhờ thế mạnh này mà phiên IPO của Hapro vào 30/3 tới đây được giới phân tích đánh giá sẽ là một trong những thương vụ bom tấn của năm 2018.

IPO “bom tấn” trị giá 972 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro). Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3.

Đầu tư - Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát

Trụ sở tổng công ty Thương mại Hà Nội tại 38-40 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo đó, Hapro sẽ chào bán 75.926.000 cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm 12.800 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về gần 972 tỷ đồng từ đợt IPO này.

Hapro hiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với trên 40 đơn vị thành viên, có thị trường tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tổng số 1.975 tỷ đồng vốn chủ sở hữu có 1.789 tỷ đồng do Nhà nước nắm giữ. Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Hapro là 2.200 tỷ đồng, tương ứng số lượng 200 triệu cổ phần lưu hành.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Như vậy có thể hiểu là sau cổ phần hóa, đại gia ngành thực phẩm đồ uống Hapro sẽ thực sự đổi chủ và chủ nhân mới của doanh nghiệp này sẽ phải chi ít nhất 1.830 tỷ đồng để mua cổ phần chi phối và trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Hapro.

Được biết, Hapro là tổng công ty đầu tiên của thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa, nằm trong danh mục các đơn vị mà Nhà nước sẽ thoái vốn giai đoạn 2016-2020. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, ngoài Hapro, Nhà nước sẽ thoái vốn ở nhiều tổng công ty lớn như VTV Cab, VTV Broadcom, công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), Saigon Tourist, HanoiTourist,...

Khối tài sản “vạn người mơ”

Nhờ nắm giữ trong tay nhiều dự án, mảnh đất “vàng”, thậm chí thuộc tầm “kim cương” ở Hà Nội, Hapro được định giá hơn 2.800 tỷ đồng trước khi cổ phần hóa. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Hapro thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định về quản lý và sử dụng đất trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Đó là các mảnh đất tại số 38-40 Lê Thái Tổ của công ty mẹ Hapro, mảnh đất số 12-14 Tràng Thi của công ty con là công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tràng Thi, mảnh đất số 1-6 Lê Thái Tổ của công ty CP Dịch vụ Thủy Tạ, hay số 11B Tràng Thi của công ty con là công ty XNK Thủ công Mỹ nghệ và Du lịch Thương nhân Hapro...

Hapro cũng được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Tại Hà Nội, đáng chú ý là các dự án: Dự án TTTM và văn phòng số 5 Lê Duẩn, dự án "Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh"... Trong đó, dự án tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp tại số 5 Lê Duẩn được Hapro khởi công từ 2010, xây dựng trên khu đất 1.624m2, diện tích xây dựng công trình là 891m2... làm TTTM và văn phòng cho thuê. Tuy nhiên hiện dự án này đang bị “đắp chiếu”. Nguyên nhân chậm tiến độ được lãnh đạo Hapro cho biết là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc xin điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao nhưng không được chấp thuận, nếu xây có khả năng sẽ lỗ.

Đầu tư - Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát (Hình 2).

Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp tại số 5 Lê Duẩn được Hapro khởi công từ 2010 đến nay chưa hoàn thành.

Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (công ty con của Hapro) đang quản lý tới 42 khu đất (phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm) tại Hà Nội. Trong đó có dự án TTTM số 10B Tràng Thi diện tích 1.800m2 cao 4 tầng với tổng mức đầu tư 2,5 triệu USD; dự án 47 Cát Linh 2.163m2, trong đó Tràng Thi sẽ phải bàn giao 1.000m2 (giáp mặt Cát Linh) để xây trụ sở UBND quận Đống Đa, phần còn lại được chấp thuận đầu tư dự án (hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS), khu đất vàng 2.098m2 tại số 12-14 Tràng Thi mà đơn vị này đặt làm trụ sở (đang đề nghị ký tiếp hợp đồng thuê đất)...

Trước đó, trong đợt thoái vốn của Hapro ở công ty này, đã có 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hết 3,1 triệu cổ phần và cổ đông chiến lược đăng ký mua toàn bộ 20% cổ phần là  đại gia điện máy Nguyễn Kim.

Một công ty con khác là công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên hiện đang quản lý 11 cơ sở nhà đất đang thuê làm thương mại văn phòng làm việc quanh khu vực Gia Lâm, Long Biên từ 300m2 đến 2.000m2 với tổng quỹ đất khoảng 10.000m2. Hiện Hapro đang nắm cổ phần chi phối và có kế hoạch thoái phần vốn Nhà nước xuống còn 30% vào năm nay.

Tại các tỉnh, một thành viên khác của Hapro là Hapro Holdings thành lập năm 2007, chuyên đầu tư vào các khu mặt bằng thương mại, dự án BĐS ở Hà Nội và các tỉnh thành khác hiện cũng đang sở hữu 8 khu mặt bằng thương mại có giá trị.

Một số dự án điển hình như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6.000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1.922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha... Ngoài ra, Hapro Holdings còn phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.

Ngoài ra, duy nhất doanh nghiệp này được sở hữu một quán cà phê giải khát là Hapro Bốn Mùa và một nhà hàng Thuỷ Tạ sang chảnh bậc nhất Hà thành khi được kinh doanh trong khuôn viên Hồ Gươm. Đây cũng chính là hai “con gà đẻ trứng vàng” mà doanh nghiêp này đang khai thác.

Đầu tư - Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát (Hình 3).

Quán cafe Hapro Bốn Mùa nằm trong khuôn viên Hồ Gươm sang chảnh bậc nhất Hà thành do Hapro đang sở hữu.

Ngồi trên “đất vàng” nhưng kinh doanh không hiệu quả

Trong khi nhiều DN cùng ngành luôn phải đau đầu giải bài toán về mặt bằng để mở rộng kinh doanh, thì Hapro ngồi trên chuỗi đất vàng nhưng lại hoạt động không mấy hiệu quả. Hapro công bố trên trang chủ doanh nghiệp, doanh thu hàng năm của Tổng công ty đạt gần 9.000 tỷ đồng, kim ngạch XNK đạt gần 400 triệu USD.

Nhưng thực tế, theo báo cáo tài chính mới nhất đến hết quý 2/2017 thì 6 tháng đầu năm 2017 công ty chỉ có doanh thu 1.936 tỷ đồng, giảm gần 20% so với con số 2.324 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Thêm vào đó, chi phí bán hàng khiến doanh nghiệp phải chi 119 tỷ đồng, chi phí quản lý 87 tỷ đồng và chi phí lãi vay 30 tỷ đồng làm cho con số lợi nhuận sau thuế còi cọc chỉ còn 9,7 tỷ đồng (giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2016).

Không chỉ năm 2017 mà các năm gần đây “ông lớn” ngành thực phẩm Hà Nội này đều có kết quả kinh doanh khá bết bát. Năm 2016, Hapro đạt doanh thu hợp nhất gần 4.100 tỷ đồng. Năm 2015, con số này khoảng 4.894 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch năm. Doanh thu năm 2014 đạt gần 6.000 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy vài năm trở lại đây, doanh thu Hapro giảm dần đều khoảng trên dưới 30% mỗi năm.

Nếu nhìn vào chỉ tiêu lợi nhuận, nhà đầu tư hẳn sẽ còn sốc hơn nữa vì sau khi đạt đỉnh lợi nhuận sau thuế 287 tỷ đồng vào năm 2014, chỉ tiêu này giảm gần 10 lần về con số 30 tỷ đồng trong năm 2015 và 47,7 tỷ đồng vào năm 2016 nhờ tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp rồi lại tụt xuống 9,7 tỷ đồng vào giữa năm 2017. Lý do vẫn là do gánh nặng của chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp quý 2/2017 tuy dương 6,4 tỷ đồng, song do gánh nặng lỗ lũy kế các năm trước để lại lên tới 30,5 tỷ đồng do đó đến giờ khoản lỗ lũy kế mà Hapro phải gánh vẫn còn tới hơn 24 tỷ đồng.

Đầu tư - Đại gia thực phẩm Hapro: Ngồi trên đất vàng nhưng kinh doanh bết bát (Hình 4).

Lỗ lũy kế của đại gia thực phẩm Hapro (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất Hapro 6 tháng đầu năm 2017).

Một số nhà phân tích cho rằng, trước khi có ý định "rót tiền" vào Hapro lần này, giới đầu tư cần đánh giá đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời lưu ý rằng các khu đất mà doanh nghiệp đang sử dụng đều là đất thuê của Nhà nước theo hình thức ngắn hạn, trả tiền thuê hàng năm, rất có thể bao gồm cả những khu đất thuộc diện sẽ được quy hoạch.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.