Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, ngoài việc mở rộng điều tra vụ án liên quan đến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngân hàng cho công ty Phương Nam vay vốn trước đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an đang vào cuộc điều tra nợ nần tại một công ty thủy sản khác ở TP.Cần Thơ, với khoản nợ 700 tỷ đồng và đang dần rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ.
VDB chi nhánh Sóc Trăng
Ngoài ra, nguồn tin trên cũng cho biết, cơ quan CSĐT đang đặt trong "tầm ngắm" một đại gia thủy sản ở miền Tây mở nhiều công ty con đang lún sâu vào nợ nần với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều thông tin cho thấy, doanh nghiệp này cũng "tái cơ cấu" như các đại gia thủy sản nổi tiếng khác vì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đã kiệt quệ. Tuy nhiên, những thông tin này cần được kiểm chứng.
Nhiều chuyên gia cho biết, hàng loạt "đại gia" thủy sản nổi tiếng tại miền Tây liên tiếp "ngã ngựa" và phát hiện số nợ "khủng" tại ngân hàng. Thời gian trước đây, giới chuyên gia kinh tế nhìn vào thì thấy nhiều ngân hàng ồ ạt duyệt cấp vốn vay cho nhiều "đại gia" thủy sản, mặc dù tài sản thế chấp không có giá trị lớn. Tại thời điểm các "đại gia" đang ăn nên làm ra, một số lãnh đạo ngân hàng vì chạy theo lợi nhuận đã duyệt cấp vốn cho vay một cách tùy tiện. Để đến khi ngành thủy sản rơi vào khó khăn, các "đại gia" liên tiếp làm ăn thua lỗ thì bài toán thu hồi nợ của các ngân hàng rơi vào thế khó.
Thạc sỹ Bùi Văn Nam, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho hay: "Việc ba lãnh đạo của VDB chi nhánh Sóc Trăng và sở Giao dịch tỉnh Hậu Giang LienVietPostBank bị bắt giữ cho thấy, tại một số ngân hàng đang có quá nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng, lừa đảo. Vụ việc Kế toán trưởng Mẫn thông đồng cùng ông Khuân nâng khống hồ sơ để đem đi vay vốn là một ví dụ điển hình.
Nguyên Hoa