Rắc vàng vào thức ăn thay... hạt tiêu
Hết làm đẹp bằng vàng (đắp mặt nạ bằng vàng lá, căng da mặt bằng chỉ vàng, tắm trắng vàng...), ngày nay nhiều người lắm tiền nhiều của lại chuyển sang ăn vàng, uống vàng. Đây không phải là “mốt mới” nhưng cấp độ xài sang theo trào lưu của các đại gia Việt khiến nhiều người “hoa mắt, chóng mặt”.
Theo tìm hiểu của PV, dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống trộn vàng tại nhiều nước trên thế giới có giá siêu đắt đỏ. Một chiếc bánh có giá cả nghìn đô. Chạy theo xu hướng “dát” vàng lên người để “chơi sang”, tại các nhà hàng trong nước cũng nở rộ các dịch vụ “dát” vàng. Cách đây không lâu, một thương hiệu bánh tại TP.HCM đã tung ra sản phẩm bánh “dát” vàng lấp lánh khiến khách hàng chú ý. Tuy nhiên, thương hiệu của loại bánh này không đủ sức “làm mưa, làm gió” trên thị trường bởi giá chưa đến 500.000 đồng/chiếc. Loại bánh này chỉ được rắc một ít bụi vàng lấm tấm trên bề mặt, chứ không phủ cả lát vàng mỏng nguyên chất trên bề mặt chiếc bánh.
Nhắc đến thú ẩm thực “dát” vàng của nhiều đại gia Việt, chị Minh Vi (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nước và được thưởng thức nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng... có phủ vàng. Chính từ những cách ăn uống lạ và cầu kỳ từ vàng mà trào lưu cho vàng vào đồ ăn, đồ uống để thể hiện đẳng cấp giàu sang đang âm thầm diễn ra ở Việt Nam. Nhiều người còn mua bụi vàng 24k rắc vào thức ăn thay tiêu, bột nêm vì tin rằng nó có thể giúp tăng cường sức khỏe, săn chắc da, bổ sung khoáng chất... ”.
Chiếc bánh có rắc vàng lên bề mặt.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, sở Y tế Hà Nội công bố kết quả kiểm nghiệm chất lượng vàng dùng trong thức ăn ở quán Kim Ngân Ngự Thiện đạt tiêu chuẩn vàng sạch, với hàm lượng vàng đạt 99,99%. Tuy nhiên, sau một thời gian “đưa vàng vào thực đơn”, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã ra văn bản truyền đạt kết luận của Hội đồng chuyên môn thực phẩm đối với việc cho vàng vào thức ăn tại nhà hàng Kim Ngân Ngự Thiện. Theo đó, vàng không nằm trong danh mục các vi chất, siêu vi chất cần thiết phải bổ sung cho cơ thể theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam; vàng không phải là chất trong danh mục phụ gia thực phẩm theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam và bộ Y tế Việt Nam. Hơn nữa, vàng chỉ dùng để trang trí, không được ăn.
Những tưởng khi cục An toàn vệ sinh thực phẩm công bố vàng không phải vi chất thì các loại đồ ăn, thức uống trộn vàng sẽ không còn sức hấp dẫn với các thực khách nhưng gần đây phong trào ăn vàng, uống vàng quay trở lại rầm rộ hơn. Với đam mê đi tìm sự hoàn hảo trong sức khỏe và cả sắc đẹp, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả “núi tiền” để đưa vàng vào cơ thể qua đường ăn uống.
Cũng theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay có hơn chục thương hiệu rượu, chủ yếu nhập khẩu, được quảng cáo có pha bột vàng, hoặc vụn vàng. Nhiều loại rượu nổi tiếng của các nước như vodka, sake cũng được bổ sung vàng (vụn vàng 22k, 24k).
Theo quảng cáo của chị Hà (nhân viên bán hàng online), rượu ngâm vàng được rất nhiều người ưa chuộng. Trước khi cho vào rượu, vàng được nghiền ra thành bột, sau đó dát ra thành những vảy vàng nhỏ. "Cả phụ nữ hay nam giới uống rượu ngâm vàng đều rất tốt cho sức khoẻ. Những vảy vàng mang lại vẻ đẹp sang trọng, quý tộc cho chai rượu và bổ sung vi lượng nguyên tố Au cho cơ thể", chị Hà tiếp thị.
Chị Hà cũng cho hay, rượu “dát” vàng tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và là món quà sang trọng cho ngày tết. Hiện giá mỗi chai rượu “dát” vàng tùy từng loại. Loại rượu “dát” vàng được nhiều người ưa chuộng nhất được nhập khẩu từ Đức, có giá bán từ 1,5-1,8 triệu đồng một chai tùy cửa hàng. Ngoài ra, loại rượu với độ cồn 43,5%, thể tích 750ml, xuất xứ từ Ý (giá từ 7-10 triệu đồng/chai) cũng được nhiều đấng mày râu lựa chọn vì nhiều quý ông cho rằng có thể giúp cường dương, bổ thận?!
Tẩm bổ hay tẩm... độc?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Trần Đáng- nguyên Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cho biết: “Trong danh mục thực phẩm chức năng - tức là các thức ăn để chữa bệnh - theo khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới chưa hề có vàng và câu chuyện ăn vàng để chữa bệnh là hoàn toàn không có bằng chứng khoa học. Các khuyến nghị chính thức của tổ chức Y tế thế giới về tính cần thiết phải bổ sung các vitamin và chất khoáng cho con người cũng không có tên của vàng. Do vậy, đưa vàng vào cơ thể thông qua một số món ăn nhằm cung cấp giá trị dinh dưỡng và mục đích chữa bệnh là không có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, trên thế giới, một số nước xem vàng là chất phụ gia, được cho vào thức ăn đơn thuần với mục đích trang trí, kích thích thị hiếu người tiêu dùng”.
BS.Chu Thanh Hương - bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Vàng là kim loại nặng, cơ thể chúng ta khó mà hấp thụ. Trong y văn chưa có sách vở nào ghi lại những giá trị dinh dưỡng có trong vàng và cũng chưa nhà khoa học nào nói rằng cần phải bổ sung vi lượng vàng cho cơ thể. Vàng là kim loại rất trơ về hóa học, thậm chí không tan được trong axit clohydric (HCl) đậm đặc. Trong khi đó, HCl trong dạ dày có nồng độ nhỏ hơn so với HCl đậm đặc 1.000 lần. Do vậy, vàng sẽ không thể tan trong dạ dày. Cơ thể không thể hấp thu thì ăn vàng sẽ lại thải ra”.
Nhận định về xu hướng “chơi sang” của nhiều người Việt, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng: “Vàng là nguyên tố quý hiếm, biểu tượng cho sự thịnh vượng nên cái gì tốt đẹp, người ta cũng gắn với vàng. Gần đây, ăn vàng, uống vàng đã trở thành trào lưu thời thượng. Thực tế hiện nay, có những người không giàu có về tài năng nên luôn tỏ ra mình giàu có về vật chất như một cách để đánh bóng tên tuổi. Nếu như những người đó kiếm tiền một cách chính đáng thì họ xứng đáng được hưởng mức sống cao hơn và được xã hội tán thưởng. Tuy nhiên, giàu có mà “chơi ngông”, khoe khoang thì càng tự làm xấu hình ảnh của mình”.
Vàng được quảng cáo là thuốc chữa bệnh Để “câu khách”, chị Hà quảng cáo: “Ở Nhật Bản, việc "gia giảm" một chút vàng vào rượu sake là khá phổ biến. Vàng làm tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể nhờ việc thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Vàng có thể ngăn chặn quá trình sưng tấy, và thậm chí còn được sử dụng để chữa bệnh viêm nhiễm và thấp khớp. Ngày xưa, người Trung Quốc đã mua vàng để làm chất luyện đan (ngăn chặn sự lão hoá) và ở châu Âu, vàng được xem là một phương thuốc đặc biệt để chữa bệnh viêm lá lách. Vì vậy, có thể nói vàng là một thứ thuốc chữa bệnh rất tốt?!”. |
Lan - Anh